(CMO) Thực hiện 6 mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Cà Mau đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực chính trị chưa đạt.
Theo đó, nhiệm kỳ 2015-2020, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp uỷ chiếm 7,69%, cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ có 1/15 đồng chí, tỷ lệ 6,67%; cán bộ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cấp tỉnh có 11/54 đại biểu, tỷ lệ 20,37%; cấp huyện có 78/314 đại biểu, tỷ lệ 24,84%; cấp xã có 623/2.871 đại biểu, tỷ lệ 21,70%. Trong khi đó, theo quy định tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%. Bên cạnh đó, các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện có 2 nữ, cấp xã có 33 nữ, chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh.
Hiện nay phụ nữ không còn quẩn quanh chuyện bếp núc mà đã tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. |
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Quốc Thanh, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, cho rằng, hiện nay bất BĐG vẫn tồn tại trong chính đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức mà nguyên nhân một phần do các chính sách, quy định của pháp luật chưa được thực thi đầy đủ, vẫn còn phân biệt đối xử về giới. Điển hình là quy định chênh lệch về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng chênh lệch về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, công chức, viên chức so với nam cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tại cơ quan, tổ chức của Nhà nước.
Phải nhìn nhận rằng, hiện nay đội ngũ cán bộ nữ luôn thể hiện tinh thần phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách; chịu khó nghiên cứu, trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, lối sống; có tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ nữ còn hạn chế cộng với công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ chưa kịp thời, chưa tạo được nguồn cán bộ nữ phục vụ lâu dài trong cả hệ thống chính trị. Cũng như chính sách hỗ trợ cán bộ nữ tham gia các khoá đào tạo dài hạn còn bất cập, điều kiện làm việc một số nơi còn hạn chế.
Song song đó, vẫn còn có nguyên nhân một số ít cán bộ nữ thiếu tự tin, ngại va chạm, thiếu ý thức phấn đấu vươn lên trong công tác nên gặp khó khăn trong phân công nhiệm vụ. Thiên chức làm mẹ, làm vợ ảnh hưởng lớn tới việc nâng cao trình độ, hầu hết phụ nữ sau sinh ngại tham gia các khoá học dài hạn, xa nhà... và đợi tới khi con lớn thì đã quá tuổi đề bạt lần đầu. Đặc biệt, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về BĐG và vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ. Và nhất là công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ, còn có biểu hiện “khoán trắng” cho các cấp Hội LHPN.
Ông Nguyễn Quốc Thanh đề nghị, để đảm bảo BĐG trong lĩnh vực chính trị, nhằm đạt tỷ lệ nữ theo quy định, chị em cần chủ động phát huy, vận dụng trong cơ quan, đơn vị, địa phương và hoạt động của mình, nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực, không ngừng nâng cao độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần... góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao và mục tiêu cao cả vì sự tiến bộ phụ nữ.
BĐG trong lĩnh vực chính trị sẽ thật sự bình đẳng nếu bên cạnh nỗ lực của cán bộ nữ còn có sự quyết tâm của cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Sự song hành này mới có thể góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2012-2030./.
Thanh Phương