(CMO) LTS: Tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và cộng đồng trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BÐKH) và đại dịch; bảo vệ trẻ em, đảm bảo trẻ em được an toàn, khoẻ mạnh và có cơ hội được phát huy hết khả năng... là mục tiêu mà Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam hướng đến. Phóng viên báo Cà Mau có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Ðại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam để hiểu thêm về các hoạt động hỗ trợ của tổ chức này đối với Cà Mau.
Các em học sinh tham gia trò chơi ghép hình tại Hội thi kỹ năng truyền thông giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em tổ chức. |
- Bà có thể cho biết các hoạt động của dự án đã hỗ trợ tại tỉnh Cà Mau trong thời gian qua?
Bà Lê Thị Thanh Hương: Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với BÐKH cho cộng đồng ven biển vùng ÐBSCL” giai đoạn 2020-2022 là một trong số các hoạt động can thiệp thuộc Chương trình giảm thiểu rủi ro và BÐKH của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, được triển khai tại tỉnh Cà Mau từ năm 2015. Ðây là một trong những nỗ lực hướng tới việc tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em, cộng đồng trước các tác động tiêu cực của BÐKH, môi trường và đại dịch.
Tại Cà Mau, dự án tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là các hộ nghèo ven biển nhằm cải thiện các điều kiện sống cơ bản: tiếp cận với nước sạch, nhà vệ sinh an toàn, các thông tin về cảnh báo sớm với tổng số gần 200.000 người hưởng lợi.
Dự án cũng hỗ trợ hơn 6.000 trẻ em thuộc các trường tiểu học của 11 xã, với mô hình trường học an toàn và rất nhiều các hoạt động can thiệp có ý nghĩa khác.
Từ kết quả dự án đạt được trong thời gian qua và với những phản hồi tích cực từ trẻ em, người dân, chính quyền địa phương mà chúng tôi nhận được thông qua các chuyến thăm, làm việc, giám sát, là bằng chứng cho thấy dự án đáp ứng nhu cầu cần thiết của trẻ em, người dân và cộng đồng. Ðây là nguồn động viên rất lớn và là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình mang lại những thay đổi tích cực, vì môi trường phát triển tốt nhất cho mọi trẻ em.
Trẻ em vùng nông thôn cần có môi trường an toàn, tránh bị xâm hại về thể chất, tâm lý và xâm hại trên môi trường mạng. |
- Bà đánh giá về vai trò của đối tác trong việc điều phối và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm giúp đỡ trẻ em hiện nay như thế nào?
Bà Lê Thị Thanh Hương: Chúng tôi luôn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và vai trò quan trọng của cơ quan đối tác trong việc điều phối thực hiện các dự án tại tỉnh Cà Mau. Dự án sẽ không đạt được thành công và các mục tiêu đặt ra ban đầu, nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ từ các đối tác địa phương.
- Chiến lược trọng điểm giúp trẻ em trong các năm tới?
Bà Lê Thị Thanh Hương: Tham vọng của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tới năm 2030 là “Vì mọi trẻ em”. Chúng tôi hướng tới nhóm trẻ yếu thế và dễ bị tổn thương, tập trung vào 3 đột phá: thứ nhất là không một trẻ em nào tử vong trước 5 tuổi về những nguyên nhân có thể phòng tránh được; thứ hai là mọi trẻ em đều có được môi trường giáo dục cơ bản có chất lượng và cuối cùng là bạo lực với trẻ em sẽ không được dung thứ.
Chiến lược của chúng tôi cho giai đoạn 3 năm (2022-2024) tập trung vào 5 mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, cải thiện sức khoẻ và dinh dưỡng của nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất, bao gồm: sức khoẻ tình dục và sinh sản; sức khoẻ tâm thần ở trẻ vị thành niên. Thứ hai, tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và cộng đồng trước các tác động tiêu cực của BÐKH, môi trường. Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng (bao gồm nâng cao kỹ năng số) cho trẻ em và thanh thiếu niên thiệt thòi. Thứ tư, tạo dựng môi trường an toàn hơn để trẻ em sống và phát triển (trẻ em được bảo vệ khỏi các xâm hại về thể chất, tâm lý và xâm hại trên môi trường mạng). Thứ năm, đảm bảo quyền được tham gia và tiếng nói của trẻ em được các cơ quan chức năng, người lớn tôn trọng, phản hồi.
Chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của đối tác thuộc các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng và trẻ em, để có thể tiếp tục duy trì, nỗ lực thực hiện quyền trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!
Hoàng Vũ thực hiện