(CMO) Gần 70 năm hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành sự quan tâm đặc biệt trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Với trái tim đỏ rực tình yêu thương, sự quan tâm chăm lo người nghèo nói riêng và công tác giảm nghèo nói chung của vị Thủ tướng, đã tạo dấu ấn rất sâu sắc mỗi khi nhắc nhớ.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: “Ở Việt Nam, sở dĩ cách mạng có được nhiều thành tựu là nhờ tại những thời điểm quan trọng nhất của lịch sử, Ðảng ta đã đưa ra những chủ trương đúng vào nguyện vọng của các tầng lớp dân chúng, đặc biệt là dân nghèo!”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người lao động. (Ảnh chụp năm 2007). Ảnh tư liệu |
Luôn đứng về người nghèo
Theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chăm lo cho người nghèo không đơn giản là thực hiện cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của Ðảng luôn hướng về Nhân dân. Vì vậy, khi Ðảng, Chính phủ ban hành chính sách cần phải đánh giá, phân tích sâu sắc những tác động của chính sách lên các đối tượng dân nghèo.
Là người khởi xướng và lãnh đạo tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thời điểm sơ khai của đất nước, hơn ai hết Thủ tướng Võ Văn Kiệt am tường những tác động đối với người lao động, dân nghèo. Thủ tướng chỉ ra rằng: “Công nghiệp hoá theo kiểu tiếp nhận những đầu tư, chủ yếu khai thác lao động giá rẻ, tuy có giải quyết được công ăn việc làm có tính nhất thời cho một số lao động thiếu việc làm, nhưng về lâu dài không thể nào thay đổi sự nghèo khó của nông dân. Trong khi đó, sự trả giá về mặt tinh thần là rất lớn, vì đa số những nông dân này phải “ly hương, ly gia” để có việc làm”.
Vì vậy, tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá phải thật sự cân nhắc về lợi ích lâu dài. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ ra: “Công nghiệp hoá, đô thị hoá của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông người nghèo) thì chúng ta không tránh khỏi càng làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa 2 tầng lớp giàu, nghèo”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: “Ðầu tư phát triển, một mặt không thể thiếu những giải pháp bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hoá; mặt khác phải có chính sách để người nghèo, đặc biệt là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc... không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển, nhất là tiến trình xây dựng các khu đô thị, nhà máy trên làng bản, ruộng đất lâu đời của họ”.
Rạch ròi giữa từ thiện và chính sách
Kinh nghiệm sau thời gian dài thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng cho thấy, không thể có “công bằng” đúng nghĩa trong một xã hội mà tất cả đều... nghèo. Cũng không thể “cào bằng” bằng cách điều tiết hết lợi ích của người giàu cho người nghèo. Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thời điểm, chúng ta chứng kiến những hoạt động quyên góp, đấu giá… được tổ chức hoành tráng trên cơ quan thông tin đại chúng để chăm lo người nghèo, phần lớn hoạt động này do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Tôi không phản đối cách làm đó, nhưng tôi nghĩ công việc ấy để cho các nhà hoạt động từ thiện chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, các nhà hảo tâm làm thay thì tốt hơn rất nhiều!”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng cho rằng, các hoạt động từ thiện chỉ có thể khơi gợi một phần nguồn lực của xã hội chứ không thể thay thế chính sách của Nhà nước. Vì vậy, sứ mệnh chính trị của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc quyên góp, đấu giá, xin - cho... Mặt trận Tổ quốc tham gia xoá đói giảm nghèo một cách hiệu quả khi phân tích và đề xuất chính sách phù hợp, cốt là để các nguồn tài nguyên quốc gia được phân phối hợp lý cho các chủ nhân của nó; người nghèo được hỗ trợ để có thể tiếp cận được với những quyền lợi căn bản nhất.
Cách nay hơn 20 năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chỉ ra rằng: Nhà nước cần sớm hoàn thiện các thiết chế như: bảo hiểm y tế, quỹ trợ cấp, tín dụng giáo dục... cho người nghèo ở cả đô thị và vùng nông thôn. Tạo điều kiện cho người có năng lực, có khát vọng có thể làm giàu tối đa nhưng cũng không bỏ mặc những người không có khả năng tự bươn chải.
“Chấp nhận một khoảng cách không thể tránh khỏi giữa tầng lớp những người giàu và nghèo. Nhưng, phải nâng được mặt bằng mức sống của người nghèo lên, để họ có thể tiếp cận được những phúc lợi tối thiểu về nhà ở, về y tế, giáo dục; để không có người dân nào không được chữa bệnh, không được đi học chỉ bởi họ nghèo!”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tâm huyết./.
ÐỖ CHÍ CÔNG tổng hợp
(Nguồn: Võ Văn Kiệt - Vị Thủ tướng trọn đời vì dân)