(CMO) Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vào chiều ngày 15/12.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tranh thủ thời gian giải lao, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân một số nội dung của hội nghị. |
Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt kết quả đáng ghi nhận. Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá, Nghị quyết đã tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Nhìn chung, nhiều cấp ủy đảng đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về vị trí việc làm, biên chế viên chức; về chính sách tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL; về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.
Tính đến nay, cả nước đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong ĐVSNCL đạt được nhiều kết quả. Số ĐVSNCL của các Bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021. Đồng thời, các đơn vị đã tăng cường tự chủ tài chính, mở rộng các hoạt động dịch vụ sự nghiệp, thực hiện thay thế nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bằng từ nguồn thu sự nghiệp, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước. Chỉ tính từ số chi bảo hiểm y tế (nguồn thu chính của các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực y tế) giai đoạn 2017-2022 là 479.456 tỷ đồng.
Số biên chế thực hiện tinh giản đến năm 2021 đạt 10,51% so với năm 2015.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực y tế ở cả tuyến Trung ương và địa phương đã được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát triển, tạo thuận lợi để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Số lượng ĐVSNCL lĩnh vực y tế cả nước hiện có 1.753 đơn vị, giảm 1.118 đơn vị so với năm 2015. |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được triển khai kịp thời, đúng quy định đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Ngoài ra, việc triển khai chính sách xã hội hóa, phát triển tổ chức ngoài công lập trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế... đã từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả nguồn lực xã hội hoá, đóng góp tích cực và nâng cao chất lượng chất lượng dịch vụ, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng đối với các ĐVSNCL,...
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết. Tiêu biểu, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với ĐVSNCL chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi. Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học. Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm 24,2% số lượng ĐVSNCL được phê duyệt theo Danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, việc chuyển các ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm,...
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển đang được thực hiện sắp xếp, đổi mới theo quy định. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài cả hệ thống chính trị. Do đó, cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL.
Quản lý số lượng người làm việc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công; hoàn thiện cơ chế tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
“Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL. Việc sắp xếp, thu gọn đầu mối ĐVSNCL cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng khu vực, tránh cào bằng, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh./.
Nguyễn Phú