(CMO) Tự hào 2 tiếng Việt Nam! Chắc không chỉ có tôi mà các bạn, tất cả người hâm mộ bóng đá đều thốt lên như thế trong niềm vui vỡ hòa hạnh phúc khi mà bóng đá nam đã vinh danh ngôi vô địch, tạo ra cú đúp huy chương vàng tại SEA Games 30 của bóng đá Việt Nam.
Hành trình sưu tầm vàng cả bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực gắn liền với con số 10 kỳ lạ. Năm 1991, bắt đầu tham dự SEA Games 16, bóng đá Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng, nhưng đến SEA Games 18 đội bóng của chúng ta đã giành ngôi vị á quân, mở tia hy vọng về thành tích vàng trong lòng người hâm mộ, nhưng 28 năm qua, thêm 4 lần lọt vào vòng chung kết, bóng đá Việt Nam chỉ dừng bước ở ngưỡng “bạc”.
Hy vọng tràn trề và niềm tin mãnh liệt của người hâm mộ lên tới đỉnh điểm tại SEA Games 25 (năm 2009 tổ chức tại Lào). Dưới thời dẫn dắt của “phù thủy” Henrique Calisto, bóng đá Việt Nam chơi khởi sắc và ấn tượng là chiếc huy chương vàng AFF Cúp năm 2008 đã tạo thêm động lực để U23 Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ mạnh, tiến thẳng vào chung kết với U23 Malaysia, đội bóng đã bị U23 Việt Nam thắng thuyết phục 3-1 ở vòng bảng. Tuy nhiên, may mắn vẫn chưa mỉm cười, trong trận cầu cuối cùng đó, người Mã đã giành ngôi vô địch với chiến thắng 1-0.
Nhắc lại để thấy rằng, số 10 như là con số may mắn của bóng đá Việt Nam. Năm 2008 chúng ta vô địch AFF Cúp rồi lại lặn hụp qua 4 mùa giải mới một lần nữa lại đăng quang ngôi vương. Còn ở đấu trường SEA Games, qua 28 năm tham dự (8+ 2 =10) với 5 lần thấp thỏm hy vọng và tính từ SEA Games 25 năm 2009 thì đến nay là 10 năm, U22 Việt Nam đã làm nên lịch sử cho bóng đá nước nhà, biến giấc mơ vàng của triệu triệu người hâm mộ bóng đá trở thành hiện thực.
Ngôi vị vô địch của U22 chính là chiến thắng của tinh thần Việt Nam. Như huấn luyện viên Park Hang-seo đã phát biểu trong cuộc họp báo sau trận lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1 trước Indonesia ở lượt đấu thứ 4 của bảng B ở vòng đấu bảng “Chúng tôi đã thể hiện tinh thần Việt Nam, không bao giờ bỏ cuộc khi bị dẫn bàn, trở lại và giành chiến …”.
Có thể nói, dưới thời của ông Park, các tuyển thủ của chúng ta đã được nung nấu ý chí, phát huy tột độ tinh thần Việt Nam mãnh liệt. Dù trong phải thi đấu trong thời tiết khắc nghiệt và phải đương đầu với những đội lớn, những đội bóng khó chơi, nhưng với “Tinh thần Việt Nam”, các tuyển thủ của chúng đã vượt qua chướng ngại để vươn tới thành công. Như ở SEA Games năm nay, phải chơi gần như liên tục, thể lực từng trận khó đảm bảo, nhưng các tuyển thủ U22 cũng đã thi đấu quật cường, bất bại ở vòng đấu bảng và tiến tới chung kết, mang vinh quang về cho đất nước.
Năm 1959, Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games tiền thân của SEA Games) lần đầu tiên được tổ chức tại Băng Cốc, tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành chiến thắng 3-1 trước chủ nhà Thái Lan và giành ngôi vô địch. Kết thúc một chu kỳ vòng xoay 60 năm, tại SEA Games 30, U22 Việt Nam lại đánh bại Indonesia để đăng quang, tạo ấn tượng khó quên của bóng đá Việt Nam ở SEA Games. Một lần nữa “Tự hào hai tiếng Việt Nam!”./.
Mỹ Pha