ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 07:21:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vốn tín dụng chính sách "cứu cánh" cho người nghèo

Báo Cà Mau (CMO) Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội huyện Thới Bình luôn đồng hành cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM. Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo và đối tượng khó khăn khác có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đối với xây dựng NTM, đô thị văn minh, huyện Thới Bình đã huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao hiệu quả vốn TDCS.

Trong 5 năm qua, vốn TDCS đã giúp hơn 2.243 hộ thoát nghèo. Hộ bà Trần Ngọc Lắm, Ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, là hộ tiêu biểu tự xin thoát nghèo sau thời gian được hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế. Bà Lắm chia sẻ: “Lập gia đình, vợ chồng cùng nghèo, được sự quan tâm cho vay vốn của Nhà nước, tôi chăn nuôi heo và tích luỹ dần, mở rộng chăn nuôi. Nhờ vậy mà gia đình đã phát triển hơn rất nhiều”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn 1,55% vào cuối năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người từ 22 triệu đồng tăng lên gần 50 triệu đồng/năm. Hiện huyện Thới Bình có 8 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 17,81 tiêu chí/xã.

Hiện huyện tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, mức cho vay tối đa của chương trình hiện nay là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%. Với các chính sách ưu đãi được triển khai đồng bộ, tạo động lực cho hộ mới thoát nghèo giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (Ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ông tận dụng ít đất thả cua - tôm - trồng lúa, nuôi heo, gà, vịt rồi đi làm thuê thêm, tích góp dần nên gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hoàng thoát nghèo nhờ chăn nuôi.

Ông Hoàng cho biết: “Có 2 công đất nên tôi tận dụng nuôi cua xen canh tôm và trồng lúa. Ðược Nhà nước hỗ trợ và vay thêm, tôi nuôi heo, gà, vịt. Nhờ vậy mà thu nhập dần dần ổn định, ráng làm cho con cái sau này vươn lên với người ta”.

Hay như hộ bà Lê Hồng Kiều (Khóm 4, thị trấn Thới Bình), được Nhà nước và mạnh thường quân hỗ trợ 40 triệu đồng, người thân giúp đỡ thêm nên bà đã xây dựng được nhà ở ổn định. Cùng vốn vay thêm 20 triệu đồng, mức lãi ưu đãi, bà mua máy may may đồ thuê cho người dân quanh vùng và ráp đồ cho những chủ tiệm lớn, mỗi ngày kiếm trên 100.000 đồng. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh bà làm nhiều việc khác kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và lo cho 2 con ăn học. Bà Kiều vui vẻ cho biết: “Một mình nuôi 2 đứa con mà không có đất nên tôi cố gắng làm để thoát nghèo”.

Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thới Bình Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Sắp tới, ngân hàng tiếp tục giải ngân cho hộ mới thoát nghèo, giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống một cách bền vững. Ngân hàng chính sách quán triệt đến cán bộ, phối hợp với chính quyền các xã rà soát đúng đối tượng thụ hưởng chương trình này. Ðồng thời, kiến nghị về trên tranh thủ nguồn vốn để triển khai cho vay, giúp người dân ổn định kinh tế”.

Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng có sức lan toả, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là các hộ dân.

“Nguồn vốn này kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững, tích cực góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định./.

 

Thuỳ Linh

 

Liên kết hữu ích