ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 06:05:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vọng tiếng cung xuân

Báo Cà Mau

“Réo rắc tơ đồng, tiếng nhặt khoan/Ðêm xuân ai trỗi mấy cung đàn/Âm ba vang vọng tình non nước/Lắng đọng trong hồn nỗi chứa chan/Ðất nước đi lên bước chuyển mình/Ðậm đà hương sắc với niềm tin/Mùa xuân vạn kỷ hồng trang sử/Có Ðảng soi đường vững bước đi”. Lối ngâm thơ mở đầu bài vọng cổ "Tiếng đàn xuân" của Soạn giả A Lý Phượng Tuyền đã trỗi lên tiếng cung xuân, chúc mừng năm mới.

92 mùa xuân Việt Nam có Ðảng, có Bác Hồ dẫn dắt soi đường Nhân dân ta đến bến bờ vinh quang. Niềm tin sắt son ấy của Người đã trở thành ý chí, hành động của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta để có những mùa xuân tươi đẹp. Và hôm nay, một mùa xuân nữa đang về trên quê hương Cà Mau.

Xuân này, tôi ngược xuôi muôn nẻo tìm đến những nghệ sĩ, tài tử miệt vườn sông nước Cà Mau để nghe họ trải lòng mình bằng lời ca, tiếng đờn ngọt ngào, như chính lời tự tình của mùa xuân đất nước. Ở mỗi nơi đi qua, từng lời ca, tiếng đờn của tài tử, nghệ sĩ, nông dân đã lắng đọng trong tôi bằng những ca từ mộc mạc, mang thanh âm cuộc sống.

Từ thành phố Cà Mau “Sánh bước bên nhau trên con đường rộng mở. Lòng reo vui khi thành phố lên đèn. Cà Mau ơi, sao vừa lạ, vừa quen, mỗi dãy phố, công trình đều hằn sâu kỷ niệm”, lời bài hát “Cà Mau thành phố yêu thương” mà cố soạn giả Huỳnh Khánh đã để lại cho đời những tình cảm quê hương tha thiết. Thông qua giọng hát của tài tử Huỳnh Thị Vis Phương, ta thấy một thành phố trẻ vào xuân năng động và phát triển từng ngày.

Về Thới Bình, nghe câu hát “Thới Bình ơi, ta về đây nghe lòng rộn rã, sông Trẹm hiền hoà hoa tràm làm cho đàn ong ngây ngất mê say. Ðồng lúa xanh rờn mát cánh cò bay, đứng trên mặt đất Thới Bình lưu luyến. Với em gái quê hương đã bao lần khuấy mái chèo làm rung rinh dòng sông Trẹm…”, bài “Về thăm sông Trẹm quê em” của Ngô Hoàng Hải, qua giọng ca ngọt ngào của danh ca Minh Cảnh - Mỹ Châu. Ngồi bên ngã ba Sông Trẹm - Chắc Băng, tôi được thưởng thức những ca từ đẹp, ca ngợi quê hương trên sóng phát thanh, làm cho tâm hồn thêm rộn rã.

Từ bờ sông Trẹm Thới Bình chỉ cần chèo xuồng qua sông là chạm đất U Minh, “Hẹn mùa mật ngọt” để nghe câu hò của tài tử của Ngọc Nhịn cất lên vào buổi chiều gió bấc: “Cửu Long chín bến mười bờ, chín thương mười nhớ anh chờ duyên em. Anh chờ đến mùa mật ngọt sang năm, gặt xong mùa lúa rồi em đi lấy chồng”. Vâng! Một mùa lúa bội thu, một cái Tết thanh bình đoàn viên, hạnh phúc.

Tài tử Ngọc Nhịn (thứ hai từ phải sang) thả hồn vào bài hát “Hẹn mùa mật ngọt”.

Tết là dịp để những người con xa quê trở về nhà, con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ, người thân, đồng nghiệp có thời gian để đi thăm hỏi chúc Tết cho nhau, chúc cho năm mới tràn đầy hạnh phúc, an khang thịnh vượng và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở vùng biên giới biển Hòn Ðá Bạc, nơi “Anh đi bảo vệ non sông, giữ yên biển đảo cho đất liền vui xuân… Anh nơi tuyến đầu, em ở hậu phương, dù rằng xa cách nhưng lòng không giới tuyến”, lời bài hát “Biển đảo vào xuân”, Tống Công Luận đã khắc hoạ hình ảnh người lính nơi biển đảo đón xuân. Qua giọng ca rất muồi của Thiếu tá Lê Văn Hiền, Phòng PX03, Công an tỉnh Cà Mau, đang công tác tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Hòn Ðá Bạc, lòng người nghe thêm lắng đọng nhiều cảm xúc.

Bài hát “Biển đảo vào xuân” qua giọng ca của Thiếu tá Lê Văn Hiền, Phòng PX03- Công an tỉnh Cà Mau, đang công tác tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Hòn Ðá Bạc.

Ai về quê hương xứ sở quê tôi sông Ðầm sẽ nhớ “Bông bồn bồn rụng trắng”. Tôi rất biết ơn soạn giả Trúc Linh và giọng hát ngọt ngào của Lan Nhi để thấm thía: “Tôi được ăn bông bồn bồn, ăn con ba khía của xứ Ðầm Dơi, những món đặc sản mà ngày xưa mẹ nuôi tôi khôn lớn”.

Ðàn bầu với hình thể độc đáo cùng tiếng âm thanh kỳ diệu đã đi vào lòng người bằng cung thương, cung nhớ, đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn của người nghệ sĩ trong sự sáng tạo. Trong tứ thời Xuân - Hạ - Thu - Ðông, tiếng đàn bầu cất lên có sức lay động, rung cảm hồn người qua giọt đàn bầu của nghệ nhân Nguyễn Phu đã thi vị hoá âm thanh độc huyền cầm trong bài "Tiếng đàn xuân" của soạn giả A Lý Phượng Tuyền.

Vượt lên thời gian, vượt qua không gian, nếu như tiếng đàn tranh của Kim Trang (Phú Tân) luôn réo rắc, lắng sâu, dạt dào trong mạch nguồn xứ sở, thì nghệ nhân Nguyễn Phu (Cái Nước) tấu lên điệu Nam Xuân với tiếng đàn bầu qua giọng ca của Bích Trâm nghe xốn xang trong lòng: “Ơi, cung đàn, ơi cung đàn đêm xuân, bao âm vang như lắng sâu trong hồn. Lời ca chan hoà thấm đượm tình quê hương, điệu hát Nam Xuân quyến luyến theo cung bậc, theo tiếng đàn em ngân, sao êm đềm thiết tha”.

Thật đẹp, thật vĩnh hằng tầm vóc đàn bầu, với danh phận suốt đời một dây, cùng với đàn tranh 16 dây được gọi là "Thập lục huyền cầm" đã ngân cung đàn muôn điệu, ngời lên sắc màu âm thanh sâu lắng từ đôi bàn tay và tâm hồn những người nghệ sĩ tài hoa của xứ sở từng là một nhà: Cái Nước - Phú Tân.

Xuôi dòng Tam Giang về Năm Căn đi tìm lời ca tiếng đàn của những chân quê mới cảm được niềm tin của họ với quê hương đất nước. Thông qua những lời kể bằng ca từ về "Quê anh, quê em", soạn giả Trọng Nguyễn đã viết: “Kể tiếp đi anh, chuyện đánh tàu bằng ghe biển, của quê anh, vùng sông nước em yêu. Kể cho em nghe, anh hứa sẽ kể nhiều”… Và dù: “Quê anh, quê em chỉ một góc trời nho nhỏ mà giàu chuyện anh hùng chẳng kể hết chiến công”. Lời ca sao quá đỗi tự hào về một Năm Căn anh hùng trong kháng chiến và phát triển trong thời bình.

Tết này, nghe NSƯT Hoa Phượng và Nghệ sĩ Nhất Phương hát "Về Ðất Mũi", nơi có Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau nổi tiếng của tác giả Huyền Trang mà nao lòng: “… Bình minh rực hồng nơi Ðất Mũi xa xôi, cô gái Út Cà Mau dịu dàng trong tà áo mới. Gửi theo anh trái bần chua Viên An, Rạch Gốc. Gửi theo anh bông bồn bồn rụng trắng mặt sông. Nhớ nghe anh điệu lý câu hò dìu dặt trên sông, nhớ nghe anh nắng Tam Giang bồng bềnh sông nước. Nhớ nghe anh nồng nàn từng chang đước, nhớ nghe anh hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Ngàn năm trước cha ông đi mở cõi, ngàn năm sau đất hoá tên người. Thì thầm trong gió lời của đất/Mảnh đất cuối trời biết mấy yêu thương”.

Nàng xuân tràn về trên muôn nẻo, đã trải vào tâm hồn người nghệ sĩ, tài tử miền quê những cung bậc yêu thương và từ trong sâu thẳm tâm hồn, họ đã cất lên những lời chúc phúc tươi đẹp thông qua tiếng đàn, lời ca như lời tự tình, giao duyên vọng tiếng cung xuân chúc mừng năm mới./.

 

Huỳnh Lâm

 

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.

Sống chậm, nhẫn hơn cùng nhiếp ảnh

Tay máy nữ Bảo Huy tên thật là Lê Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1973, quê tỉnh Quảng Nam, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (Ðà Nẵng).