(CMO) Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, không chỉ có rừng tràm mà còn nổi danh với những vườn dâu Cái Tàu nên nơi đây có nhiều tiềm năng du lịch. Điểm du lịch sinh thái vườn dâu của ông Ba Liêm (Nguyễn Thanh Liêm, Ấp 10, xã Nguyễn Phích) là một điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất U Minh.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Kỳ nghỉ này rơi vào cuối tuần, vì vậy, các điểm tham quan, du lịch đã chuẩn bị nhiều chương trình, hoạt động để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái miệt vườn là một lựa chọn hấp dẫn và được nhiều người lựa chọn.
Hàng năm, vườn dâu Ba Liêm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và là điểm đến trong chuỗi sự kiện Hương rừng U Minh vào dịp 30/4 sắp tới. |
Thời điểm này, điểm du lịch vườn trái cây của ông Ba Liêm đã chuẩn bị sẵn sàng. Không chỉ đầu tư, cải tạo vườn cây, giữ cho không gian luôn mát mẻ với bốn mùa cây trái mà ông còn nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho khách đến tham quan. Vườn trái cây của ông Ba Liêm nổi tiếng với đặc sản dâu Cái Tàu, dâu xanh, đang sum suê, trái trĩu cây, năng suất khoảng 100 kg/cây. Dù đã ngoài 70 tuổi, ông Ba Liêm vẫn miệt mài lao động, đổ biết bao mồ hôi, công sức để tìm tòi, nghiên cứu mới có được “quả ngọt” như hôm nay.
Ông Ba Liêm chia sẻ: “Vụ dâu năm nay, do sự chênh lệch về nhiệt độ, thời tiết ban ngày và ban đêm làm xuất hiện nấm gây bệnh trên cây dâu. Nếu không xử lý kịp thời thì bệnh sẽ lây lan gây thối, rụng trái hoàn toàn. Tôi sử dụng nguồn nước giếng khoan bơm vô ao, sau đó mới sử dụng để tưới cho cây. Để dâu đậu trái và không bị lép trái (trái không có ruột) cũng cần có kỹ thuật trồng cây và thụ phấn chủ động. Nếu để thụ phấn tự nhiên thì tỷ lệ đậu trái rất thấp. Bên cạnh đó, phải bổ sung đầy đủ nước và phân để cung cấp dinh dưỡng cho dâu làm ruột trái. Trung bình chi phí nhân công, phân bón, điện, nước phục vụ tưới tiêu cho cả vườn cây ăn trái khoảng 8 triệu đồng/tháng”.
Mảnh đất, khu vườn là niềm vui tuổi già, ông Ba Liêm dành tâm huyết, chăm sóc, kiểm tra mỗi ngày. Một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế nhưng được xem là mới và khó thích nghi trên vùng đất Cà Mau cũng được ông Ba Liêm “chinh phục” thành công. Hiện tại, vườn trái cây của ông Ba Liêm đều đã cho thu hoạch và phục vụ du khách đến tham quan theo mùa quanh năm với các loại như: 80 cây bơ 034, 120 cây dâu Cái Tàu và dâu xanh, 80 cây chôm chôm, 120 cây măng cụt, 120 cây sầu riêng, 1.200 cây mít Thái cùng các loại đu đủ, dừa xiêm, quýt, bưởi…
Điểm du lịch tại đây có thể phục vụ khoảng 300 lượt khách/ngày, giá vé tham quan vẫn giữ nguyên là 50.000 đồng/người lớn. Bên cạnh các loại trái cây, du khách còn được giải trí với dịch vụ câu cá đồng, thưởng thức các món đặc sản, truyền thống của miền Tây như: lẩu lươn đồng, cá rô kho tộ, cá lóc nướng trui, bánh xèo rau rừng… Điểm khác biệt năm nay là tăng cường nhân viên, quản lý và hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn. Ngoài ra, vườn còn có phục vụ chuối, khoai mì luộc miễn phí.
Từ khi về hưu, về với vùng đất rừng U Minh, ông Ba Liêm quyết tâm tìm hướng đi mới cho bản thân và người dân ở địa phương. Xuất thân là nông dân, cùng với tinh thần của một đảng viên gương mẫu, ông Ba Liêm luôn trăn trở và mong muốn làm sao cho bà con có thể làm giàu trên chính phần đất của mình.
Nghĩ là làm nên hơn chục năm nay, với 7 ha đất rừng, vợ chồng ông Ba Liêm dành 4 ha đất trồng tràm, còn lại 3 ha đất ông cải tạo, lên liếp trồng các loại cây ăn trái, nuôi gà, heo rừng, dưới kênh, ao nuôi cá đồng, thu về mỗi năm trên 500 triệu đồng, được bà con trong vùng đến học hỏi để nhân rộng. Vì vậy, ông đã liên kết với bà con trong vùng thành lập HTX Lâm nghiệp - Nông nghiệp - Du lịch Trang trại xanh với tổng diện tích trên 200 ha. Dọc theo những tuyến đường của xã Nguyễn Phích có rất nhiều vườn cây ăn trái, chủ yếu là cam, quýt, mít, bưởi... sum suê. Để phát huy thế mạnh tự nhiên vùng đất U Minh và tránh điệp khúc được mùa mất giá, ông Ba Liêm mạnh dạn học hỏi và đầu tư làm du lịch sinh thái cộng đồng.
Ông Liêm cho biết: “Phải quyết tâm đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, vừa phát triển kinh tế trên đất rừng, vừa khai thác làm du lịch. Không chỉ giới thiệu hình ảnh thiên nhiên và người U Minh đến du khách gần xa, mà hướng đi này còn góp phần cùng với bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, hạn chế về năng suất và giá cả, cùng nhau phấn đấu vươn lên làm giàu”.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Xã Nguyễn Phích có 4 vườn dâu mở cửa đón khách du lịch tham quan. Riêng vườn dâu Ba Liêm, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên mỗi vụ đều đạt năng suất cao, là điểm du lịch hấp dẫn khách đến tham quan. Đây cũng là điểm du lịch hoạt động hiệu quả, liên kết với các thành viên trong HTX cùng phát triển. Năm nay, vườn trái cây Ba Liêm sẽ là một trong những điểm đến của sự kiện Hương rừng U Minh sắp tới”.
U Minh không chỉ được biết đến là xứ rừng tràm mà còn là mảnh đất của cây lành, trái ngọt. Qua bàn tay, khối óc say mê lao động, người dân đã phát huy lợi thế tự nhiên, lập vườn trồng các loại cây ăn trái, đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Người dân nơi đây rất đỗi tự hào trước sự thay đổi của quê hương. Đó là thành quả khi biết sống chan hoà với thiên nhiên, phát triển gắn với bảo vệ và giữ gìn tài sản vô giá của thiên nhiên./.
Trịnh Thảo Mơ