Đôi chân bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ còn lại đôi tay nhưng anh Nguyễn Hoàng Phong, khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, không buông xuôi theo số phận. Anh làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Đôi chân bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ còn lại đôi tay nhưng anh Nguyễn Hoàng Phong, khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, không buông xuôi theo số phận. Anh làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Một tay vừa vịn vào chiếc xe lăn, một tay kéo chân phải xuống, rồi từ từ kéo chân còn lại. Khi xuống được đất, anh Phong tiếp tục bào những tấm ván đã để sẵn trên nền xi-măng. Từng thao tác đối với anh khá khó khăn nhưng nhanh nhẹn, thuần thục.
![]() |
Anh Nguyễn Hoàng Phong với công việc làm “thợ mộc”. |
Nở nụ cười hiền, anh Phong bộc bạch, việc “làm thợ mộc” này là niềm tự hào của anh. Anh không được đào tạo, chỉ qua vài lần trò chuyện, xem các chú thợ mộc ở trong xóm làm, anh để ý rồi về nhà làm theo. Chẳng bao lâu anh có thể tự làm các vật dụng trong nhà, đóng vài món đồ lặt vặt cho bà con chòm xóm. Chỉ tay lên ngôi nhà gỗ, mái lợp tol, anh Phong cho biết, phần sườn nhà là anh tự làm. Còn cái đi-văng đang ngồi láng mịn, mới toanh, anh cũng vừa đóng trước Tết. Toàn bộ vật dụng trong nhà anh đều tự làm, cái gì nặng thì nhờ vợ, con, hàng xóm giúp.
Gia đình nghèo, bản thân bị tật, cha mẹ còn phải kiếm tiền nuôi gia đình nên từ nhỏ anh Phong không được cắp sách đến trường. Niềm đam mê với con chữ, con số thôi thúc anh Phong phải tự học. Chẳng bao lâu, anh không những biết đọc, biết viết mà còn làm toán rất giỏi.
27 tuổi, anh lập gia đình với chị Phan Thị Nhiên, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Khi ra riêng, tài sản của vợ chồng anh chỉ có 3 công ruộng, vài công vườn nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thương vợ, thương đứa con thơ dại, dù tật nguyền anh Phong vẫn xuống ruộng cùng làm với vợ. Chị Nhiên bùi ngùi nhớ lại: “Trước đây, khi làm lúa mùa, khoảng tháng 8, 9 cấy lúa cây. Tháng đó nước dữ lắm, anh Phong ngồi xuống ruộng nước tới ngang cổ để bứng lúa cho tôi cấy. Khi nào rảnh thì cấy tiếp vợ. Anh Phong động viên tôi hoài, bảo phải tự mình vươn lên, đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác”.
Ngoài làm ruộng, chị Nhiên còn buôn bán tạp hoá nhỏ, nuôi heo nái, heo thịt, nuôi gà nòi, đặt rượu, trồng rau… Việc gì giúp được là anh Phong phụ giúp vợ. Khi rảnh, anh sửa chữa, đóng các đồ dùng trong nhà. Siêng năng làm lụng, tằn tiện trong chi tiêu, biết tính toán làm ăn, 10 năm trở lại đây, đời sống gia đình anh Phong thoải mái hơn so với trước. Không nợ nần, nhà cửa ổn định, kinh tế phát triển và còn tích luỹ được mớ vốn.
Khi hỏi về anh Phong, chị Nhiên nở nụ cười hạnh phúc: “Mười mấy năm vợ chồng, đối với gia đình, anh Phong luôn là chỗ dựa tinh thần. Tuy tật nguyền, không khoẻ mạnh như người ta nhưng anh Phong sẵn sàng chia sẻ mọi công việc với vợ. Biết tính toán làm ăn, dạy bảo con cái, sống chan hoà với bà con chòm xóm, không chơi bời, nhậu nhẹt bê tha. Nhờ vậy mà gia đình mới có được như ngày hôm nay”.
Anh Phong trần tình: “Bản thân sinh ra tật nguyền nhưng tôi nghĩ mình phải tự vươn lên, sống có ích cho gia đình, xã hội, không được mặc cảm, tự ti. Tôi luôn quan niệm rằng, tuy tàn nhưng không phế”.
Ông Mai Thanh Sự, Chủ tịch Hội Người tàn tật và Trẻ mồ côi huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ðược sự giúp đỡ của hội, chính quyền địa phương, cộng đồng cùng sự vươn lên, tích cực lao động của vợ chồng, giờ đây, cuộc sống gia đình anh Phong ổn định, nuôi con ăn học đàng hoàng. Năm 2012, anh còn được tuyên dương cấp tỉnh vì có thành tích tiêu biểu vượt khó”./.
Bài và ảnh: Minh Ngọc