Nhiều năm gắn bó với nghề, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt lên để khẳng định mình. Một trong số ấy là em Quang Trung Kiên, lớp 12C5, Trường THPT Nguyễn Việt Khái, năm học 2014-2015.
Nhiều năm gắn bó với nghề, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt lên để khẳng định mình. Một trong số ấy là em Quang Trung Kiên, lớp 12C5, Trường THPT Nguyễn Việt Khái, năm học 2014-2015.
Tôi còn nhớ rất rõ, những ngày trung tuần tháng Tám, mỗi giờ học tiếng Anh của lớp 12C5 có một học sinh rất chú ý, cặm cụi làm bài tập nhưng kết quả sai nhiều hơn đúng. Tìm hiểu tôi được biết, quá trình học tập của em bị gián đoạn 1 năm do sự cố đáng tiếc. Ðó là vào cuối tháng 11/2012, trên đường đi học về, gặp một nhóm người đánh nhau, em tìm cách can ngăn thì . . . “bốp” - 1 khúc cây to đã đập trúng đầu em. Em bất tỉnh 10 ngày. Sau gần 1 tháng điều trị, bác sĩ kết luận em bị dập não, xuất huyết chẫm với những khối máu nhỏ tụ trong não nhưng chưa dám xử lý vì khả năng thành công thấp.
Em QUANG TRUNG KIÊN |
Nghĩ mình sẽ không còn cơ hội đến trường vì nhà nghèo, thời gian điều trị đã mang nợ quá nhiều, em lên Cần Thơ làm phục vụ cho một quán cà phê với tiền công 30.000 đồng/ngày để trang trải bớt nợ nần. Mấy tháng lăn lộn kiếm sống, em ý thức rõ trình độ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Thế là em về Cà Mau và xin cha mẹ được tiếp tục đi học.
Em đến trường với khối máu tụ trong não. Ðó là nguyên nhân làm khả năng nhớ bài, lập luận lô-gíc và óc liên tưởng của em bị hạn chế.
Không đầu hàng, em luôn học bài và rèn luyện kỹ năng, trí nhớ bằng việc làm đi làm lại nhiều lần 1 bài tập. Thương hoàn cảnh của em, tôi cùng thầy Thảo - giáo viên chủ nhiệm của em, xếp thời gian để em đến nhà và giúp em hiểu bài sâu hơn ở 2 môn tiếng Anh và Hoá. Chiếc xe đạp cà tàng là người bạn đường thân thiết của em nhưng nay hư vỏ, mai lại đứt xích mà không có tiền để sửa. Nhiều ngày em phải dẫn bộ mấy cây số để đến trường. Ðó là lý do tôi và thầy Thảo góp tiền tu sửa lại chiếc xe.
Với nỗ lực hết sức mình, kết quả học tập của em tiến bộ không ngừng: từ điểm trung bình 5,5 ở tháng 9, đến học kỳ I em đạt 6,8. Tiếp xúc nhiều, tôi nhận ra nhiều điều đáng quý ở em. Em ít than vãn và luôn suy nghĩ tích cực. Tình cờ một lần, đang nhờ tôi giúp giải bài tập, em vội vã xin về khi chưa hoàn thành. Tôi gạn hỏi, em thú nhận đến giờ đi xin cơm từ thiện cho em và người cha mất sức lao động sau tai nạn nghề nghiệp ở nhà. Những bữa đi học về trễ, không xin được cơm, hai cha con ăn cơm với tương, chao cho qua bữa rồi 4 giờ chiều lại xin cơm từ thiện.
Thăm nhà em, tôi lặng người đi. Bởi đó không phải là nhà mà là một túp lều dựng tạm và “tứ bề lộng gió”. Trong nhà không có vật gì đáng giá ngoài chiếc ti-vi rất cũ. Ý nghĩ giúp em thôi thúc tôi. Biết em tự trọng nên tôi đã bí mật đến chỗ em thường xin cơm góp 200.000 đồng/tháng nhờ họ chừa phần cho em khi em về trễ. Họ nhiệt tình giúp đỡ. Khi dự tiệc hay cưới hỏi, tôi xin những phần thức ăn còn lại mang về cho em. Em rất mừng và bảo: “Cảm ơn cô, đồ ăn ngon lắm. Cha và em nay mới được ăn những món này...".
Phải giúp em nhiều hơn nữa. Và tôi đã gửi thư lên Ðài PT-TH Vĩnh Long, chương trình “Thắp sáng niềm tin” trình bày hoàn cảnh. Sau tìm hiểu, chương trình đồng ý hỗ trợ 30.000.000 đồng với điều kiện em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ðã cố gắng và bây giờ em lại càng phải cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, do vụ tai nạn làm ảnh hưởng phần não, dù đã nỗ lực nhưng kết quả học tập không đạt loại giỏi như mong đợi, em mất đi cơ hội nhận được phần hỗ trợ để tiếp sức đến trường./.
Nguyễn Thị Diễm kiều, Trường THPT Nguyễn Việt Khái
(Bài đoạt giải Ba cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó”)