Huy động các nguồn lực xã hội để xoá nhà tạm, nhà dột nát không chỉ dừng lại ở việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, mà còn trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, những căn nhà xiêu vẹo, dột nát dần được thay thế bằng những căn nhà kiên cố, khang trang. Mùa xuân này có hơn 1.000 hộ được đón Tết ấm áp, an vui trong những căn nhà mới.
- Ðội hình “Thanh niên tình nguyện xoá nhà tạm, nhà dột nát”
- Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện tốt chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát
- Xoá hơn 1.100 căn nhà tạm, nhà dột nát
Là hộ già neo đơn, thế nhưng Tết vừa qua, bà Nguyễn Thị My, Ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, cảm thấy ấm áp vì được địa phương quan tâm hỗ trợ căn nhà mới. Bà không còn lo cảnh mưa tạt, gió lùa. Người thân trong gia đình bà cũng chủ động góp thêm nguyên vật liệu để căn nhà thêm khang trang. Dừng tay dọn dẹp vật dụng trong nhà, bà Nguyễn Thị My xúc động chia sẻ: “Căn nhà xiêu vẹo nhiều năm rồi mà tôi chưa có tiền để cất mới, làm được nhiêu tiền thì chi phí ăn uống, thuốc thang hằng ngày cũng hết. Ðược căn nhà mới, tôi như đang nằm mơ. Nhiều hôm thợ làm tới tối, không nghỉ trưa để tôi được đón Tết trong căn nhà mới”.
Ðội thanh niên tình nguyện xoá nhà tạm, nhà dột nát xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, góp ngày công giúp dân giảm bớt chi phí cất nhà.
Cùng niềm vui với gia đình bà My có hơn 1.000 gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh hân hoan đón Tết trong những căn nhà khang trang, với mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/căn và sửa chữa 30 triệu đồng/căn. Mỗi ngôi nhà được dựng lên, đồng nghĩa với việc gửi trao yêu thương, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Vài năm trước đây, vợ chồng ông Trần Văn Phong, Ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh, đi lao động ngoài tỉnh, mong tích luỹ tiền về quê cất nhà, nhưng bất ngờ ông Phong ngã bệnh, mất sức lao động, do phải chạy chữa thuốc thang nên kinh tế gia đình trở nên túng thiếu. Là hộ nghèo, gia đình ông Phong được xem xét hỗ trợ căn nhà, các con ông góp thêm 20 triệu đồng để căn nhà khang trang hơn. Có nhà, vợ chồng ông Phong được tiếp thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Cà Mau đã ban hành Ðề án xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh có 4.400 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được xây dựng, sửa chữa, với nhu cầu tổng kinh phí 235 tỷ 890 triệu đồng, gồm các nguồn lực: ngân sách Nhà nước, quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, xã hội hoá và nguồn vận động hợp pháp khác. Kế hoạch năm 2024 đặt mục tiêu xây mới, sửa chữa 400 căn, nhưng với quyết tâm cao, tỉnh đã khởi công 1.270 căn, tiến độ giải ngân 36 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Triều, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: "Tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, thấy rằng việc triển khai thực hiện chương trình ý nghĩa này được chỉ đạo nhất quán từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Nhiều hộ có nhà mới đã không cầm được nước mắt, xúc động trước sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội. Thực hiện xoá nhà tạm còn góp phần quan trọng vào xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc và thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".
Từ chủ trương đúng đắn, có sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, việc thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát được đẩy nhanh tiến độ, với nhiều cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội, cũng như phát huy sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Những ngôi nhà dựng lên không chỉ là món quà mang ý nghĩa nhân văn, mà còn là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thấm đượm nghĩa Ðảng - tình Dân.
Những ngôi nhà dựng lên không chỉ là món quà mang ý nghĩa nhân văn mà còn là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thấm đượm nghĩa Ðảng - tình Dân. (Trong ảnh: Tổ hỗ trợ tháo dỡ nhà cũ ở xã Khánh An, huyện U Minh).
Bà Lê Cẩm Tha, Phó chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết, Ban Chỉ đạo của xã linh hoạt trong vận động doanh nghiệp trên địa bàn để có thêm nguồn lực xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2024 đã xây dựng và bàn giao 65 căn xây mới và sửa chữa 8 căn. Trong quá trình triển khai thi công, xã thành lập nhiều đoàn công tác để giám sát tiến độ, đôn đốc nhà thầu. Mỗi ấp thành lập 1 tổ hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà, vô đất nền, di dời vật dụng, góp ngày công để giúp bà con có nhà ở vững chắc, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các đoàn cơ sở thành lập các đội thanh niên tình nguyện xoá nhà tạm, nhà dột nát để kịp thời giúp đỡ, nhằm giảm bớt chi phí trong quá trình xây cất nhà cho người dân. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã chung tay đóng góp sức lực và ngày công vào những công việc thiết thực, như tháo dỡ nhà tạm, nhà dột nát; vận chuyển gạch, cát, xi măng; tham gia lắp đặt móng nhà, lợp mái, sửa chữa và gia cố nhà cửa xuống cấp... Ðồng thời, tích cực vận động nguồn lực xã hội hoá, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng vào chương trình ý nghĩa này.
Cà Mau phấn đấu không chỉ hỗ trợ nhà theo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) mà phải đảm bảo “4 cứng”, là có nhà vệ sinh, đảm bảo môi trường sống trong lành. Ðồng thời, lồng ghép các dự án, chương trình hỗ trợ, như vốn sản xuất, hệ thống nước sinh hoạt, thùng trữ nước... tạo điều kiện để bà con an cư lạc nghiệp. Tỉnh quyết tâm hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 2/9, lập thành tích chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Ðại hội toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng.
Hành trình xoá nhà tạm không chỉ mang lại mái nhà cho người dân mà còn thắp sáng niềm hy vọng và mở ra một tương lai tươi sáng, trọn vẹn yêu thương!
Mộng Thường - Hoàng Vũ