(CMO) Với chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong phát triển kinh tế - xã hội”, ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành cùng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ban ngành; các địa phương; các công ty, tập đoàn DNNN để bàn sâu những vấn đề liên quan đến vị thế, vai trò, đóng góp, những thách thức và giải pháp tháo gỡ đối với lực lượng kinh tế quan trọng này.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đại biểu tham dự hội nghị quán triệt tinh thần: “Hội nghị phải mổ xẻ, giải quyết những bài toán rất cụ thể, bàn phải “ra việc”, hiệu quả, từ đó có giải pháp, hành động quyết liệt. Các ý kiến phát biểu không sa vào báo cáo kết quả, vấn đề chung chung, mà phải nêu được những nội dung cấp thiết nhất, nổi cộm nhất, đồng thời phải có đề xuất, ý kiến về giải pháp đối với lực lượng DNNN”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, dù có nhiều công việc quan trọng, song với vai trò quan trọng của DNNN đối với nền kinh tế, với đất nước, Chính phủ dành 1 ngày, trên tinh thần “nói thẳng, nói đúng trọng tâm vấn đề, nói thật” để tạo ra những tác động tích cực, tức thời và hướng phát triển lâu dài cho DNNN. Các bộ, ban, ngành, địa phương, DNNN phải thể hiện rõ được “cảm xúc, suy nghĩ và trăn trở” những vấn đề liên quan, đồng thời cùng đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm vào giải pháp chung cho Chính phủ.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh. |
Khẳng định vai trò quan trọng của DNNN, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Chỉ riêng DNNN có 100% vốn nhà nước đang nắm, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm gần 26% tống vốn sản xuất, kinh doanh và hơn 23% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ các doanh nghiệp). Quy mô tài sản của 1 DNNN là khoảng 4.100 tỷ đồng, cao hơn 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 109 lần doanh nghiệp dân doanh.
Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Xét về đóng góp cho ngân sách nhà nước, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp của DNNN bình quân là 576 tỷ đồng/năm. DNNN đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế như: bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có vai trò chi phối lớn trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng giao thông và đảm bảo cung ứng dịch vụ vận tải; dịch vụ thanh toán và các dịch vụ ngân hàng; cung cấp nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế...
Các DNNN giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. |
Riêng Cà Mau, tỉnh hiện có 5 DNNN, trong đó 3 DNNN 100% vốn nhà nước và 2 DNNN có trên 50% vốn điều lệ của nhà nước. Kết quả thoái vốn DNNN trên địa bàn tỉnh, đã thực hiện với Công ty cổ phần Cấp nước Cà Mau và Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Cà Mau. Tuy nhiên, việc bán cổ phần lần đầu tại các công ty gặp nhiều khó khăn, cổ phần hoá đạt kết quả thấp. Cà Mau đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho địa phương tự quyết định lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mói và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hội nghị dành gần như toàn bộ thời lượng để thảo luận. Nhiều ý kiến tâm huyết, sắc sảo (có 27 lượt ý kiến) đã được đại biểu trao đổi tại diễn đàn này. Trong đó, những băn khoăn về đóng góp, vị thế chưa tương xứng của DNNN được đại biểu đặc biệt tập trung. Theo đó, nếu cứ giữ thái độ thụ động, an toàn, không đổi mới thì DNNN rất khó để bứt phá. Những nhóm vấn đề về cơ chế chính sách vĩ mô, cách thức tổ chức thực hiện, con người thực hiện được phân tích ở nhiều khía cạnh, góc độ, khách quan, khoa học. Đây cũng chính là nơi còn có những “cục máu đông” khiến DNNN chưa thật sự sẵn sàng cho một sân chơi lớn, sòng phẳng, dẫn đến tình trạng phát triển nhưng thiếu tính bền vững, thiếu chiến lược rõ ràng, thậm chí teo tóp về quy mô, thua lỗ, xảy ra các sai phạm lớn...
Tỉnh Cà Mau có 5 DNNN, trong đó có 2 DNNN thuộc lĩnh vực lâm nghiệp là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ảnh: Khai thác rừng tràm tại huyện U Minh. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, nhất là tâm tư của các tập đoàn, DNNN, từ đó Chính phủ sẽ ban hành cơ chế chính sách vĩ mô, nghị quyết về DNNN. Đối với DNNN, phải thực hiện đồng bộ, có kết quả các nhóm giải pháp về cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp. Đây không phải là thu hẹp phạm vi, quy mô của doanh nghiệp, mà là tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị và quản trị của doanh nghiệp.
“DNNN muốn lớn mạnh, không cách nào khác phải tăng đầu tư, tăng đổi mới và sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động. DNNN phải thể hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt, tạo ra “hệ sinh thái” phù hợp, cùng với các thành phần kinh tế khác xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt, hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các vấn đề quan trọng trong phát triển DNNN là phải gắn với chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, thế mạnh địa phương, đất nước. Xác định rõ những ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN. Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia về DNNN. Bản thân DNNN phải thay đổi về mô hình hoạt động, cách thức quản trị căn cứ theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chính sách vĩ mô, tạo mọi điều kiện để DNNN phát triển, xứng đáng với tiềm lực, kỳ vọng./.
Quốc Rin