Tại tỉnh Cà Mau, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) được triển khai tại 29 xã, thị trấn của 7 huyện (trừ TP Cà Mau và huyện Ngọc Hiển) nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em (PN&TE), thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo bà Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHNP tỉnh), mục đích của việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội và từng bước hạn chế, hướng tới thay đổi định kiến trong đời sống xã hội, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Anh Trần Văn Núi, Tổ phó Tổ Truyền thông cộng đồng Ấp 6, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền bình đẳng giới trong phụ nữ người dân tộc Khmer.
Xã Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời) là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, với 315 hộ, có 4 ấp đặc biệt khó khăn. Ðể thực hiện hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN xã đã ra mắt Tổ Truyền thông cộng đồng và Ðịa chỉ tin cậy, với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Anh Trần Văn Núi, Tổ phó Tổ Truyền thông cộng đồng Ấp 6, xã Khánh Bình Ðông, chia sẻ: “Tổ truyền thông cộng đồng có cơ cấu thành phần gồm bí thư chi bộ, trưởng ấp, ban công tác mặt trận, cùng các hội, đoàn thể. Phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, cùng những kinh nghiệm từ thực tế, các thành viên không chỉ tích cực tuyên truyền mà còn gần gũi, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để giải quyết những vấn đề cấp thiết của PN&TE. Từ đó có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay trong ấp không xảy ra trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba và không có tình trạng bạo lực gia đình; bà con chí thú làm ăn vươn lên làm giàu, ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Phạm Thị Huệ, Ấp 6, xã Khánh Bình Ðông, vẫn rất quan tâm, tạm gác công việc ở nhà để cùng bà con trong xóm ra trung tâm xã dự buổi lễ ra mắt Tổ Truyền thông cộng đồng, nghe tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. “Có nghe thì mới biết thế nào là bình đẳng giới, để động viên các thành viên trong gia đình biết chia sẻ công việc với nhau và tránh vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết”, bà Huệ mộc mạc chia sẻ.
Để thực hiện có hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các buổi toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tổ chức cơ sở hội trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới, xoá bỏ các định kiến giới, từ đó nhân rộng cho các cấp hội học tập và làm theo.
Ðể hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới thì cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Bà Tiêu Việt Tiên cho biết thêm: “Nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục thành lập, ra mắt các tổ truyền thông cộng đồng; xây dựng video clip câu chuyện truyền thông về thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Hoạt động này sẽ góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE”.
Qua hơn 1 năm thực hiện các nội dung của Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho PN&TE, tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện./.
Quỳnh Anh - Chí Diện