(CMO) Ngày 20/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), gồm 8 chương, 48 điều.
Luật TGPL năm 2017 đã kịp thời thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn đường lối và chính sách của Ðảng về giúp đỡ pháp luật cho Nhân dân; tạo lập được cơ chế đồng bộ trong việc mở rộng và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017, ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, đánh giá, thể chế đảm bảo hoạt động TGPL ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm tăng cường hiệu quả cho hoạt động này và nhiều hoạt động khác. Hoạt động TGPL luôn được sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trong chỉ đạo điều hành, đổi mới công tác truyền thông, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, đội ngũ trợ giúp viên, cộng tác viên TGPL không ngừng đổi mới về số lượng và nâng cao chất lượng chuyên môn. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện trên 5.000 vụ TGPL, trong đó cử tham gia tố tụng 1.870 vụ. Thông qua hoạt động TGPL đối với các vụ việc cụ thể tại trụ sở và TGPL lưu động, các tổ chức TGPL đã phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng triệu lượt người, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong Nhân dân.
Phổ biến chính sách pháp luật về TGPL cho người dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. |
- Ðiểm nổi bật trong hoạt động TGPL là gì, xin ông chia sẻ thêm?
Ông Võ Thanh Tòng: Công tác phối hợp hoạt động TGPL giữa lực lượng công an, toà án, viện kiểm sát, chính quyền địa phương với Sở Tư pháp… khá đồng bộ, nhịp nhàng, thường xuyên và đi vào chiều sâu. Nổi bật là việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau về người thực hiện TGPL trực tại toà án.
Theo đó, toà án Nhân dân các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL trực tại toà án, thực hiện các thủ tục tố tụng, như đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL, nghiên cứu hồ sơ... làm cho các vụ án được xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào công lý.
Nhìn chung, việc ký kết chương trình phối hợp không chỉ tăng cường mối quan hệ giữa 2 ngành mà còn giúp người dân thêm một kênh tiếp cận với chính sách TGPL, góp phần đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL. Từ đó, đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng một nền tư pháp vì dân phục vụ.
Ðồng thời, thông qua chương trình phối hợp và các hoạt động TGPL đã góp phần nâng cao dân trí về pháp luật cho Nhân dân. Bởi, mỗi lần TGPL được xem như là chương trình giáo dục pháp luật cho mỗi người dân. Hoạt động TGPL được đảm bảo cũng góp phần nâng cao chất lượng xét xử của toà án, các thẩm phán, thông qua hoạt động TGPL, lắng nghe các ý kiến phản biện của người dân...
- Theo ông, có những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ để hoàn thiện hoạt động TGPL trong thời gian tới?
Ông Võ Thanh Tòng: Qua 5 năm thực hiện Luật TGPL, thấy rằng, xây dựng hoàn thiện thể chế và cơ chế phối hợp trong hoạt động TGPL ở địa phương, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tin đại chúng chính là điều kiện tốt để triển khai có hiệu quả các hoạt động TGPL.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận còn những bất cập cần được nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, đó là chất lượng phối hợp giữa các lực lượng, chính quyền địa phương có nơi chưa đồng đều, hiệu quả thấp; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ trợ giúp viên còn hạn chế; trụ sở làm việc của người thực hiện TGPL tại địa bàn các huyện chưa được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu; trợ giúp viên quản lý tại địa bàn còn thiếu năng động phối hợp phát hiện, tiếp cận đối tượng TGPL từ cơ sở...
Sở sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên nghiên cứu rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện những quy định cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan trong hoạt động TGPL, chính sách TGPL cho Nhân dân, nhất là về chính sách tài chính có tính khuyến khích nhiều thành phần tham gia, từng bước xã hội hoá công tác TGPL… Ðồng thời, sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động này. Ðồng thời, tăng cường hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về công tác TGPL, bởi đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chi phối cho hoạt động TGPL ở địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Mỹ Pha thực hiện