(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia vừa tổ chức vào chiều ngày 28/2.
Năm 2017, với sự chỉ đạo kỳ quyết của Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng toàn thể Nhân dân trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Trong đó, có 492 xã đạt tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cả nước hiện có 43 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với năm 2016.
Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2017, nguồn ngân sách bố trí trên 51.775 tỷ đồng. Ngoài ra, các điạ phương còn huy động các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trên 64.233 tỷ đồng để thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ vốn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm còn 6,72% vào cuối năm 2017, giảm 1,51% so với năm 2016. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giảm khoảng 3-4%, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Với kết quả đạt được trong năm 2017, kế hoạch năm 2018 cả nước phấn đấu có ít nhất 39% số xã với khoảng 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017. Có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 đơn vị huyện so với năm 2017. Bình quân cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 60 xã.
Hiện cả nước còn 113 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm. Riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc tiểu số giảm 3-4%/năm theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016–2020.
Tại Cà Mau, trong năm 2017, tổng nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 1.726 tỷ đồng. Theo đó, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đạt 1.017 tiêu chí, bình quân đạt 12,4 tiêu chí/xã, tăng bình quân 8,9 tiêu chí/xã so với thời điểm xuất phát năm 2011 (3,52). Toàn tỉnh hiện có 30/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36,6%. Trong đó có 9 xã được thẩm định vào cuối năm 2017 đang chờ quyết định công nhận của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Cà Mau còn 17.754 hộ nghèo, chiếm 5,96% (giảm 2% so năm 2016, vượt 0,5% so với chỉ tiêu bình quân hằng năm) và 10.485 hộ cận nghèo, chiếm 3,52% (giảm 0,31%). Trong đó, khu vực nông thôn còn 16.141 hộ nghèo, chiếm 7,06% và 9.051 hộ cận nghèo, chiếm 3,96%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đó là tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách còn chậm, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các nhóm xã vẫn còn rất lớn; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh.
Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng còn lúng túng tìm kiếm thị trường, bị tư thương ép giá. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững chậm ban hành, dẫn đến việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở còn chậm; đối tượng hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa được áp dụng...
Trung Đỉnh