Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Cà Mau kiềm giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí. Đây là nỗ lực đáng biểu dương đối với 1 tỉnh có hoạt động giao thông đông đúc với hơn 1.000 km đường bộ, gần 8.000 km đường thuỷ, 450.000 phương tiện thuỷ, bộ/1,3 triệu dân.
Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Cà Mau kiềm giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí. Đây là nỗ lực đáng biểu dương đối với 1 tỉnh có hoạt động giao thông đông đúc với hơn 1.000 km đường bộ, gần 8.000 km đường thuỷ, 450.000 phương tiện thuỷ, bộ/1,3 triệu dân.
Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về giao thông, giao thông vận tải rất nhiều. Vấn đề là làm sao để mọi người dân đều nhận thức đúng đắn và tự giác chấp hành. Thực tế ở tỉnh Cà Mau, TNGT tuy có được kiềm giảm qua từng năm, nhưng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn cao, trong đó có không ít lỗi vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
Trẻ em vùng sâu chưa hình thành thói quen mặc áo phao khi đi đò đến trường. |
Có ý kiến cho rằng, tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT để răn đe, giáo dục là một trong những giải pháp kiềm giảm TNGT. Tuy nhiên, xử lý bao quát thì trật tự chỉ được thiết lập nhất thời, TNGT vẫn tiềm ẩn và gia tăng đột biến.
Ðể ổn định TTATGT lâu dài đòi hỏi lực lượng chức năng nên thay đổi hình thức xử lý vi phạm theo từng vấn đề, trong thời gian nhất định. Chẳng hạn như vấn đề sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông (TGGT) (thường là lỗi kép trong các trường hợp vi phạm TTATGT) sẽ được tập trung xử lý liên tục, không chỉ lực lượng chức năng mà có sự nhập cuộc của chính quyền địa phương. Khi đã bị xử phạt hành chính liên tục cùng với những hình thức bổ sung như thông báo về đơn vị, nơi cư trú và bị cơ quan khiển trách, địa phương họp dân giáo dục cộng đồng… người vi phạm sẽ không tái phạm, dần tạo thành thói quen ý thức tuân thủ Luật Giao thông. Bảo đảm trật tự ATGT cốt lõi là do ý thức người TGGT.
Bên cạnh xử phạt răn đe thì phổ biến, giáo dục pháp luật cũng là giải pháp nâng cao ý thức người TGGT. Tuy nhiên, đã qua không ít địa phương chưa chủ động thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp mà thường bị động theo chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh. Hằng năm, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền không phải nhỏ, nhưng thực tế thì pa-nô, áp phích, tờ rơi… chưa mang lại hiệu quả thiết thực, bởi người dân thường chỉ xem qua loa, chưa thực sự xem để nắm, hiểu và nhớ luật.
Tại hội nghị tổng kết tình hình trật tự ATGT năm 2014 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi khẳng định: Công tác tuyên truyền vẫn là chủ đạo, mà hiệu quả nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng lồng ghép vào các câu chuyện truyền thanh, hoặc cũng có thể là kịch ngắn, chập cải lương… sẽ thu hút sự chú ý và người xem sẽ nhớ lâu hơn. Khi đã nhớ, hiểu thì mới làm đúng được.
Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, trong năm 2014, công tác tuyên truyền được thực hiện trên bản tin ATGT hằng ngày, chuyên đề ATGT 2 kỳ/tháng trên sóng Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, chuyên mục ATGT 1 kỳ/tuần trên Báo Cà Mau, đặc biệt là chương trình “Tìm hiểu ATGT trên sóng truyền hình” thông qua hộp thư 8288 đã thu hút nhiều người tham gia, làm chuyển biến nhận thức của người TGGT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, văn phòng sẽ tham mưu cho thường trực Ban ATGT tỉnh thực hiện chương trình “Tìm hiểu ATGT trên Báo Cà Mau”.
Tuyên truyền và xử lý vi phạm là 2 mặt công tác chủ đạo trong công tác bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, phổ biến, giáo dục pháp luật như thế nào để người TGGT nhận thức được và hình thành thói quen thì TTATGT mới thật sự được đảm bảo ổn định lâu dài./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha