(CMO) Sáng 14/12, phát biểu chỉ đạo Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Theo Tổng bí thư, bản sắc "cây tre Việt Nam" đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương với các Tỉnh uỷ, Thành uỷ và các bộ, ban, ngành Trung ương. Tham dự điểm cầu chính tại Hà Nội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Nguồn: baochinhphu.vn |
Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác đối ngoại, nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua, nhất là trong 35 năm đổi mới và về tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tác động, cơ hội và thách thức với công tác đối ngoại cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỉ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước ngày nay.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
Thực hiện đúng phương châm "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thực sự "là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước ta đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ gìn môi trường hoà bình; không chỉ tranh thủ được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn tạo điều kiện để tham gia vào các hệ thống của khu vực và quốc tế cũng như hệ thống các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: "Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam".
Nhấn mạnh những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại: "Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, công việc trọng tâm của thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam. Cần thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực.
Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Tổng kết việc thực hiện và hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới trên các diễn đàn đa phương khác trong và ngoài khuôn khổ của Liên Hợp Quốc.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.
Hội nghị đã lắng nghe 9 tham luận và ghi nhận báo cáo của 36 bộ, ngành, các tỉnh, thành về tình hình đối ngoại tại các địa phương./.
Ngọc Huệ