(CMO) Vừa qua, Thư viện tỉnh Cà Mau phối hợp với các điểm trường trên địa bàn TP Cà Mau tổ chức cuộc thi viết cảm nhận quyển sách tôi yêu. Đây là lần đầu tiên Thư viện tỉnh tổ chức cuộc thi viết cảm nhận về sách.
Cuộc thi là cơ hội để độc giả có thể đọc, lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích, những tác phẩm đặc sắc. Từ đó hiểu thêm về cuộc sống, bồi đắp tâm hồn tình cảm cũng như lý tưởng cao đẹp, tích cực học tập, tu dưỡng rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Đồng thời góp phần rèn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông, đề cao tầm quan trọng của việc đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.
Hiệu ứng của "Quyển sách tôi yêu"
Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Lý Hoàng Vũ chia sẻ: “Tín hiệu vui là sau khi phát động cuộc thi, số lượng bạn đọc đến tham khảo, đọc sách tăng lên đáng kể. Chủ đề "Cà Mau vùng đất anh hùng" đã khơi gợi cho bạn đọc tìm, tham khảo những quyển sách viết về lịch sử vùng đất Cà Mau, những di tích, chiến công lịch sử, những vị anh hùng…, qua đó tiếp thêm nguồn cảm hứng cho giới trẻ yêu thích môn Lịch sử và có thêm lượng kiến thức về lịch sử tỉnh nhà”.
Bạn đọc đến Thư viện tỉnh để tìm tham khảo sách. |
Điểm độc đáo của cuộc thi là bên cạnh việc cảm thụ về nhân vật, quyển sách tâm đắc, độc giả còn chia sẻ bí quyết lựa chọn quyển sách hay hoặc cách đọc như thế nào để cảm thụ hết về nội dung tác phẩm.
Đến nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 200 bài dự thi đến từ 10 điểm trường.
Em Nguyễn Bảo Trân, lớp 11A9 Trường THPT Cà Mau, chia sẻ: “Đây là một cuộc thi rất thiết thực và ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ tiếp cận được những quyển sách hay, bổ ích cho bản thân. Mong rằng những cuộc thi như thế này sẽ ngày càng phổ biến hơn, giúp mọi người hiểu được giá trị to lớn mà sách mang lại”.
Những bài viết được chọn và đánh giá cao đều thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn sách, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo. Các em đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết để thực hiện bài dự thi. Không chỉ có vậy, các em còn rèn luyện kỹ năng trình bày suy nghĩ của mình về những vấn đề văn hoá, lịch sử, xã hội, khoa học...
Phan Thuỳ Linh, sinh viên Luật Kinh tế Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau, cho biết: “Em đọc những quyển truyện ngắn, sách viết về văn hoá, di tích lịch sử từ bé. Bây giờ, dù việc học hành khá bận rộn nhưng hằng tuần em vẫn dành thời gian đến thư viện, mượn sách về đọc. Với em, đọc sách như một thói quen để thư giãn, là sở thích và giúp em nhớ lâu hơn”.
Bạn Nguyễn Hải Nam, sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau, chia sẻ “Đọc sách không những để thư giãn, thanh thản đầu óc mà còn tích luỹ nhiều sự trải nghiệm cuộc sống qua những câu chuyện mà tác giả thể hiện trong từng trang sách. Với Nam, đọc sách còn rèn tính kiên nhẫn, điềm tĩnh cho người đọc, góp phần hình thành nhân cách con người”.
“Hâm nóng” văn hoá đọc
Để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy văn hoá đọc trong cộng đồng, thời gian qua, hệ thống thư viện không ngừng đổi mới hoạt động, tăng số lượng, nội dung đầu sách để phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi tìm hiểu về sách.
Ông Lý Hoàng Vũ cho biết thêm: “Mặc dù đã đạt những thành công nhất định, song các hội thi về sách vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là đa phần các cuộc thi chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp trong địa bàn tỉnh, cơ cấu, giá trị giải thưởng chưa cao nên hạn chế lực lượng tham gia. Sắp tới, nhằm ổn định lượng độc giả lâu dài, thư viện chủ động tổ chức nhiều hội thi dành cho mọi lứa tuổi, tầng lớp khác nhau, đồng thời triển khai cuộc thi đến từng địa bàn huyện, xã để văn hoá đọc không chỉ có ở thành phố mà còn đến được mọi ngõ ngách của nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Bài và ảnh: Yến Nhi