(CMO) Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) được thực hiện một cách thiết thực và tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng. Việc lựa chọn giới tính thai nhi được cải thiện đáng kể, bất BĐG trong đời sống xã hội được thu hẹp... Từ đó giúp các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thấy rõ thực trạng bất BĐG, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của BĐG đối với sự phát triển của xã hội, cộng đồng. Vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức và đang là vấn đề báo động. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 88 vụ bạo lực gia đình, giảm 37 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, bạo lực về kinh tế 2 vụ, bạo lực về thể xác 84 vụ, bạo lực về tinh thần 2 vụ, không xảy ra trường hợp bạo lực về tình dục. Toàn tỉnh có 3.397 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ 555 trẻ, 16 trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa 13 trẻ, khuyết tật 2.307 trẻ, 50 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, vi phạm pháp luật 18 trẻ, nghiện ma tuý 10 trẻ, 342 trẻ phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, bị xâm hại tình dục 38 trẻ, mắc bệnh hiểm nghèo 48 trẻ.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG được thực hiện một cách thường xuyên trong các cấp Hội LHPN. |
Trưởng Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em và BĐG, Sở LĐ-TB&XH Bùi Lệ Oanh cho biết, từ ngày 15/11-15/12 hàng năm được chọn là Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Năm nay, tháng hành động với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Tháng hành động sẽ tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhằm tạo sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Với các hoạt động như: Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với đa dạng hình thức, huy động nguồn lực triển khai tháng hành động, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tuyên dương những điển hình tiên tiến... Thông qua các thông điệp về BĐG, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ lan toả mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững và không ai còn bị bỏ lại phía sau.
4 nhà tạm lánh được đưa vào hoạt động không chỉ là nơi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực, mà còn là địa chỉ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về BĐG. Nhà tạm lánh nhằm ngăn ngừa thực trạng bạo lực có thể xảy ra, qua đó tăng cường hiệu quả phối hợp trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.
Tại lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cộng đồng cùng cam kết và có hành động cụ thể, thiết thực. Toàn xã hội chủ động, tích cực, chung tay hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong gia đình và người làm công tác BĐG; Hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mua bán, xâm hại; Chú trọng việc kiểm tra thực hiện tháng hành động nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lên án và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc bạo lực phụ nữ và xâm hại trẻ em./.
Thanh Phương