(CMO) “Ngày 18/8/2011, sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Cà Mau, anh Hai Dũng (Trần Văn Việt) có phát biểu trong Ban Chấp hành rằng, phải cố gắng hết sức giúp cho anh chị em bớt nghèo, bớt khổ. Và việc trước tiên là phải bằng mọi cách xây dựng được 100 căn nhà cho các cựu TNXP đang khó khăn về nhà ở. Rồi chưa đầy 2 năm, ảnh đã vận động, xây dựng được 82 căn. Tiếc là ảnh lâm trọng bệnh và ra đi quá sớm…”, ông Tư Tính (Nguyễn Trung Tính, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau) mở đầu câu chuyện xây nhà cho đồng đội của ông Hai Dũng bằng sự ngưỡng mộ và nể phục.
![]() |
Ông Trần Văn Việt (Hai Dũng) thừa uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen UBND tỉnh cho ông Lý Nam Hải về thành tích hỗ trợ xây nhà cho cựu TNXP Cà Mau năm 2012. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TÍNH |
Rồi bằng giọng thủng thẳng, ông kể tiếp: “Đầu tiên, anh Hai Dũng qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cà Mau gặp giám đốc là ông Lý Nam Hải trình bày tâm nguyện. Nghe ông Hải hứa ủng hộ hết mình, anh Hai mừng dữ lắm. Vậy là khi về, ảnh qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh xin phép được vận động; tiếp đó, lại ra Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam xin chủ trương”.
Khâu xây dựng nhà cũng phải trải qua nhiều công đoạn, từ lo thủ tục giấy tờ nhận tiền, khảo sát thực tế, giám sát công trình, rồi thủ tục quyết toán… Ông Tư Tính khi đó là Chánh Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh, nên đã sát cánh cùng ông Hai Dũng lo liệu mọi bề.
Ông phân trần: “Tiền nhận về mình giao hết cho các địa phương quản lý và đứng ra lo chuyện xây dựng. Đối tượng thì giao các hội huyện phối hợp xã, phường xét chọn. Vậy chứ mình vẫn phải đi khảo sát nắm tình hình, đôn đốc thi công, góp ý điều chỉnh này nọ... Tất cả các căn nhà phải đảm bảo “4 cứng” (nền cứng, vách cứng, mái cứng (tấm lợp tốt), khung sườn cứng). Mỗi căn chúng tôi tới lui 2-3 lượt, mà khi đó điều kiện đi lại khó khăn lắm chứ không phải xe gắn máy chạy tới tận nơi như bây giờ. Một năm làm đến mấy chục căn nên công việc cũng tất bật, hầu như chúng tôi có mặt suốt ở các huyện”.
Mỗi căn nhà ban đầu được hỗ trợ theo mức quy định là 25 triệu đồng, sau tăng lên 30 triệu, rồi 40 triệu, 50 triệu… Nhưng ông Tư Tính bảo, ông Hai Dũng rất chú trọng tính bền vững, làm sao cho đồng đội có được căn nhà chất lượng để ổn định lâu dài, vì vậy ông chủ trương kêu gọi các huyện hỗ trợ thêm từ 5-10 triệu đồng mỗi căn. Đồng thời, phát động trong anh chị em, bà con thân tộc, con cháu chủ hộ đóng góp thêm mỗi người một ít.
Phần nhà vệ sinh thì giao hẳn cho các huyện đoàn và xã đoàn đảm nhận vận động xây dựng. Ông bảo, nhà vệ sinh làm cũng đơn giản, chỉ cần đào hầm, âm 2 cái lu xuống, làm nắp, làm bệ, xây tường xung quanh (hoặc dừng thiếc). Mỗi cái chi phí chỉ vài triệu đồng nên các huyện đoàn, xã đoàn phối hợp làm rất tốt.
Cũng theo ông Tư Tính, nhờ huy động thêm các nguồn lực nên mỗi căn nhà có giá trị từ 80 triệu đồng trở lên và cho đến nay, tất cả vẫn còn sử dụng khá tốt.
Trần Văn Thời, Thới Bình, Ngọc Hiển là 3 địa phương có đông cựu TNXP sinh sống, cũng đồng thời có nhiều cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn, vì vậy mà nhận được nhiều “nhà anh Hai Dũng” nhất. Ông Tư Tính vẫn còn nhớ: “Khi đó đồng chí Mười Hiện (Trần Văn Hiện) còn làm Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển, nhận được nguồn hỗ trợ này, ông mừng lắm và đóng góp thêm mỗi căn 10 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Hữu Tặng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời, lần giở sổ sách, cộng lại rồi cho biết, từ năm 2011-2013 (tức thời ông Hai Dũng), huyện xây dựng được 16 căn nhà cho cựu TNXP từ Tỉnh hội hỗ trợ. Rồi ông giới thiệu một trong những căn nhà đó là nhà ông Nguyễn Minh Hùng (Ấp 5, xã Khánh Bình Đông).
Đã 10 năm trôi qua, nhưng nhắc lại chuyện xây dựng nhà, ông Hùng vẫn còn bồi hồi xúc động: “Hai vợ chồng đều là TNXP tuyến đường 1C. Khi đó nhà cửa tạm bợ lắm. Anh Hai Dũng vô, thấy hoàn cảnh vậy, cùng với đề xuất của xã, đã giải quyết ngay cho chúng tôi được căn nhà. Lúc đó bà con dòng họ cũng tiếp vào, rồi mình xoay xở thêm một ít nên căn nhà khá chắc chắn, khang trang. Tất cả cũng nhờ anh Hai Dũng…”.
Có được ngôi nhà kiên cố để tránh nắng mưa, gió bão, ông bà yên tâm phát triển kinh tế. Không những thế, ông còn có thêm động lực hăng hái tham gia hoạt động hội và sau đó được bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời.
Sau khi ông Hai Dũng qua đời, thực hiện tâm nguyện của ông, ông Tư Tính khi đó là Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, lại tiếp tục lo phần việc còn dang dở. Ông kể: “Khi tôi ra Hà Nội họp tổng kết năm, lúc ngồi uống trà, có chia sẻ thân tình với anh em lãnh đạo Trung ương Hội về tâm huyết xây nhà của anh Hai Dũng. Ông Nguyễn Anh Liên, bấy giờ là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, vỗ vai tôi bảo: “Chú mày yên tâm về dưới đi, để anh kiếm nguồn hỗ trợ vài chục căn nữa cho đủ số 100 căn của ông Hai Dũng”. Tưởng họ nói cho qua, ai ngờ chỉ hơn tháng sau, tôi nhận được điện thoại từ Trung ương Hội; mấy anh thông báo sẽ cho Cà Mau 30 căn nhà”.
“Đang cất 30 căn thì Trung ương điện báo sẽ cho thêm 4 căn nữa; rồi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thêm 2 căn…”, ông Tư hào hứng kể tiếp.
Tính đến nay, cộng thêm 12 căn của các cựu TNXP là người con Cà Mau đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ và các đầu mối khác, Hội Cựu TNXP tỉnh đã xây dựng và sửa chữa nhà cho đồng đội tròm trèm con số 150 căn. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng về nhà ở, mà ông Hai Dũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình chưa đầy 2 năm ông làm chủ tịch hội. Cũng từ đó, trên cơ bản đã giải quyết được vấn đề khó khăn về nhà ở cho các cựu TNXP tại Cà Mau.
Ông Tư Tính “trích lược” quá trình công tác của ông Hai Dũng: Từng là cán bộ Đại đội Nguyễn Việt Khái I, hoạt động ở chiến trường miền Đông. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về quê hương công tác và đảm nhận các vị trí: Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Minh Hải, Bí thư Huyện uỷ Năm Căn, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền, Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Khi về nghỉ hưu, ông tham gia công tác hội và giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau.
Có lẽ chính vì có thời gian tham gia TNXP, cùng nếm trải bao khó khăn, hiểm nguy, gian khổ mà ông thấu hiểu, cảm thông và có tình thương yêu sâu sắc với đồng đội mình. Ông Tư Tính cũng cho biết thêm, ngoài xúc tiến chuyện làm nhà cửa, ông Hai Dũng còn quan tâm rất nhiều việc liên quan đến giải quyết chế độ chính sách cho các cựu TNXP; quan tâm, động viên, tư vấn họ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình… Ai ốm đau, bệnh tật, từ trần… ông đều có mặt. “Nói chung, anh Hai Dũng là người lãnh đạo rất có tâm, đạo đức và tử tế. Ảnh luôn cố gắng làm nhiều điều tốt đẹp nhất cho đồng đội”, ông Tư Tính bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thán phục.
Có ai đó đã nói: Điều quan trọng không phải sống bao lâu, mà sống như thế nào. Với ông Hai Dũng, riêng việc xây nhà cho đồng đội, ông đã ghi được rất nhiều điểm cộng. Để rồi giờ đây, có rất nhiều cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt khi trở lại đời thường có được mái ấm an cư, từ đó mà có điều kiện vươn lên, ngẩng mặt với đời… Và bây giờ, mỗi khi nhắc đến ông Hai Dũng, người ta lại nhắc đến câu chuyện xây nhà cho đồng đội, đầy trách nhiệm, đầy tính nhân văn, thấm đậm nghĩa tình./.
Trang Thăm