ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 28-9-24 02:23:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xoá “biến tướng” dạy thêm, học thêm

Báo Cà Mau Thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017, Sở GD&ÐT Cà Mau kiên quyết xử phạt việc dạy thêm, học thêm sai quy định.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017, Sở GD&ÐT Cà Mau kiên quyết xử phạt việc dạy thêm, học thêm sai quy định.

Tại các địa phương, hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm được thực hiện gắt gao. Theo Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, từ quy định của Bộ GD&ÐT, trong những năm qua, đồng thời với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, sở liên tục tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề về dạy thêm, học thêm. Bên cạnh, các trường ký cam kết với phòng GD&ÐT, giáo viên ký cam kết với nhà trường không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.

Song, việc dạy thêm, học thêm trái quy định, hoặc chưa được cấp phép trong và ngoài nhà trường, dạy thêm ở bậc tiểu học... vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là địa bàn TP Cà Mau. Thế nhưng, Phòng GD&ÐT thành phố khẳng định, trong 5 năm qua, phòng không tham mưu UBND thành phố ký bất kỳ giấy phép cho cá nhân nào dạy thêm trên địa bàn, chỉ cấp phép cho 6 đơn vị trường THCS tổ chức dạy trong nhà trường theo đúng quy định.

Góc nhìn “người trong cuộc”

Phó Trưởng Phòng GD&ÐT TP Cà Mau Trần Xuân Hải cho rằng, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của xã hội học tập. Có đến 2/3 số học sinh có nhu cầu và tham gia học thêm tại các trường với mong muốn được nâng cao kiến thức.

Và trước sức ép thành tích, chú trọng chỉ số bề nổi và tâm lý bằng cấp của mỗi gia đình, nhu cầu cho con học thêm của phụ huynh và học thêm của học sinh ngày càng cao để có thể vào được trường điểm, danh tiếng. Bên cạnh đó là những phong trào thi đua của ngành giáo dục căn cứ vào tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ đại học... đã vô hình chung tạo nên áp lực cho nhà trường.

Còn với giáo viên, dạy thêm là để tăng thêm thu nhập trong điều kiện lương chưa đủ sống như hiện nay. Do đó, có thể thấy, dạy thêm, học thêm như một thị trường đáp ứng cung - cầu, dù đang đứng trước nhiều hệ luỵ.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017, Sở GD&ÐT Cà Mau kiên quyết xử phạt việc dạy thêm, học thêm sai quy định.

Thầy Võ Văn Thử, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, huyện Thới Bình, cho rằng, xu thế mới, học sinh cần chuẩn kiến thức theo 3 cấp độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Và thực tế, dung lượng kiến thức kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng ngày càng đòi hỏi các em phải nâng cao kiến thức, điều này cho thấy nhu cầu được học thêm là cần thiết. Dù rằng nhà trường chưa nhận được đơn khiếu nại, nhưng đã qua có nhận được tin từ dư luận về việc giáo viên dạy thêm tại nhà, hoặc một số giáo viên được phụ huynh mời về dạy kèm cho con em mình, nhưng muốn giảm chi phí đã thoả thuận với phụ huynh khác đưa con em tới học cùng, tạo nên một lớp học hàng chục học sinh. Ðể kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nhà trường khuyến khích giáo viên dạy thêm do trường tổ chức theo quy định; đồng thời tăng cường trách nhiệm với chính quyền địa phương.

“Dạy thêm, học thêm là nhu cầu. Tuy nhiên, nhà trường không ký cấp phép cho bất kỳ giáo viên nào dạy thêm ngoài nhà trường”, thầy Nguyễn Văn Bàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, TP Cà Mau, khẳng định.

Về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Trường THPT Hồ Thị Kỷ thực hiện theo quy định của Bộ GD&ÐT. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế của học sinh, thành lập ban quản lý dạy thêm, học thêm của trường, có báo cáo kết quả cụ thể kiểm tra chất lượng đối với phụ huynh học sinh. 5 môn học dạy thêm tại trường là: Hoá học, Vật lý, Anh văn, Ngữ văn (cấp THCS) và Sinh học 12. Nhờ làm tốt công tác dạy thêm, học thêm tại trường, chất lượng học sinh tăng từng năm, như năm học 2013-2014 có 85% học sinh lên lớp thẳng, năm 2014-2015 đạt 91%, năm học 2015-2016 đạt 95%.

“Dạy thêm, học thêm không xấu mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, nhưng vấn đề là tổ chức và quản lý như thế nào; sắp xếp thời gian học thêm và học chính khoá sao cho hợp lý; và phải lượng hoá được sức học của học sinh”, thầy Bàng bày tỏ quan điểm.

Cần giải pháp đồng bộ

“Dạy thêm, học thêm là vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay, gây nhiều tranh luận. Tại Cà Mau, chỉ cấm những việc làm không đúng quy định dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người thầy. Tuy nhiên, đã qua, ngành giáo dục vừa lúng túng, thiếu kiên quyết trong xử lý dạy thêm, học thêm. Trong năm học này, ngành kiên quyết xử lý các vi phạm, chấm dứt ngay những biến tướng; đối với công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ xử lý kỷ luật”, ông Nguyễn Minh Luân thẳng thắn nhìn nhận.

Trong những năm gần đây, Bộ GD&ÐT đã phải liên tục đưa ra các quy định kiểm soát việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Thông tư số 17 của Bộ GD&ÐT ban hành tháng 5/2012, quy định rõ: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng số; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Song, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 17 của Bộ GD&ÐT quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Thông tư mới chỉ tập trung quản lý đối với hệ công lập, còn hệ ngoài công lập không được điều chỉnh. Bên cạnh, nếu các giáo viên về hưu tổ chức cơ sở dạy thêm rồi mời các giáo viên tại các trường đến dạy cho chính học sinh của lớp chính khoá của họ thì không thể cấm.

Ông Nguyễn Minh Luân còn chỉ rõ kẽ hở của Quyết định 09 của UBND tỉnh tháng 8/2013 về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh là việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có hiệu lực thời gian, trong khi Thông tư 17 quy định, thời hạn của giấy phép nhiều nhất là 24 tháng kể từ ngày ký. Ðiều này gây khó khăn trong việc thu hồi và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm, bởi giấy phép của cơ sở đó không có thời hạn hiệu lực. Cũng tại quyết định này, quy định mức thu tiền học thêm trong nhà trường thấp hơn tiền tăng giờ của giáo viên và chưa hợp lý với nhu cầu đời sống giáo viên hiện nay khi mà giá cả thị trường cứ leo thang.

“Học thêm để nâng cao chất lượng, bổ túc yếu kém, chứ không phải học bắt buộc không rõ mục tiêu dẫn đến biến tướng. Thiết nghĩ, chương trình học phải được giảm tải, vừa sức học sinh, coi trọng kỹ năng ứng dụng, thực hành và đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Và chỉ khi thu nhập của giáo viên ngang bằng với những ngành nghề khác trong xã hội, họ sống được bằng lương thì sẽ sống hết mình với nghề, tạo ra những tiết dạy hay, hiệu quả nhất, khi đó học sinh không còn nhu cầu học thêm, giáo viên cũng không cần dạy thêm”, ông Trần Xuân Hải kiến nghị.

Ðể chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trong năm học này, Sở GD&ÐT tiến hành rà soát cấp phép, gia hạn đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập về việc dạy thêm, học thêm. Tăng cường phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền trong ngành về công tác quản lý dạy thêm, học thêm theo quy định; đặc biệt tăng cường sự giám sát trong Nhân dân, thiết lập đường dây nóng để kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng biến tướng của dạy thêm, học thêm.

“Ngày 16/9 vừa qua, Sở GD&ÐT đã tổ chức toạ đàm về hoạt động dạy thêm, học thêm dưới góc nhìn của những “người trong cuộc”. Với rất nhiều ý kiến thẳng thắn đa chiều, cùng những kiến nghị, giải pháp chấm dứt dạy thêm, học thêm sai quy định sẽ được sở tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh có hướng hoàn thiện. Ngành giáo dục rất cần sự chung tay của toàn xã hội để chống lại tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm cũng như của những vấn đề bức xúc trong giáo dục hiện nay”, ông Nguyễn Minh Luân mong đợi./.

Bài và ảnh: Băng Thanh

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.