(CMO) Ngư dân ven biển là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất mỗi khi bước vào thời điểm gió mùa Tây Nam như hiện nay. Họ không chỉ đối mặt với những hiểm nguy từ thiên tai, thời tiết, mà cuộc sống hàng ngày cũng thêm không ít gánh nặng do tàu thường xuyên nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt.
Hì hục trên bãi bùn khu vực Ðá Bạc hơn 1 giờ đồng hồ nhưng trong túi áo của anh Nguyễn Văn Tới (ấp Kinh Hòn, xã khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chỉ được khoảng chục con sò huyết cỡ đầu ngón tay cái. Toàn thân lấm lem bùn, mồ hôi nhễ nhại, anh Tới trầm ngâm chia sẻ: "Ba, bốn ngày nay biển động không khai thác được nên tôi tranh thủ lúc triều rút, ra đây kiếm vài con sò về ăn cho đỡ chi phí. Mùa này là vậy, lúc đi được lúc không, việc phải nằm bờ 5-7 ngày là chuyện thường xuyên".
Tranh thủ thời gian không đi biển do thời tiết xấu, anh Nguyễn Văn Tới ra bãi mò sò huyết.
Cà Mau là tỉnh ven biển nên số lượng người dân sống dựa vào nguồn tài nguyên từ biển phải tính đến con số hàng chục ngàn người và đã hình thành nên những xóm làng ven biển mấy mươi năm qua. Nhiều khu vực, nhờ biển mà giờ phát triển vô cùng sầm uất như Sông Ðốc, Rạch Gốc hay Khánh Hội, Cái Ðôi Vàm... Nhưng cũng có những xóm làng vẫn còn heo hút, nhà cửa chủ yếu là bán kiên cố và nhà cấp 4, thậm chí chỉ là cây lá địa phương... Trong khi đó, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, các hiện tượng dông, lốc xoáy, triều cường, nước biển dâng xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, nguy hiểm hơn, mưa bão ngày càng phức tạp, khó lường. Ngư dân ven biển luôn phải đối diện với nguy hiểm và khó khăn nếu xảy ra thiên tai.
Dù là một trong những cửa biển lớn của tỉnh nhưng cửa biển Khánh Hội hiện nay cũng đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Một trong những khó khăn lớn nhất là tình trạng cửa biển bị bồi lắng, nhiều phương tiện lớn khó ra vào. Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, đã có không ít phương tiện bị gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào cửa. “Nếu tình trạng bồi lắng này không sớm được nạo vét thì khu neo đậu Khánh Hội mới xây dựng không phát huy được công năng”, ngư dân Lê Văn Bảy, Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, nhận định.
Cũng như toàn bộ các cửa biển khác trên địa bàn tỉnh, Khánh Hội phải chịu ảnh hưởng của tất cả các loại hình thiên tai từ mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc xoáy cho đến triều cường, nước biển dâng. Ðể ngư dân có nơi neo đậu tránh trú bão, cửa biển Khánh Hội đã được đầu tư 85 trụ neo đảm bảo cho khoảng 700 tàu khai thác trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai trên biển. Tuy nhiên, theo ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, hiện tượng bồi lắng diễn ra hàng ngày, sau nạo vét thì chỉ khoảng 1 năm là đã trở lại như ban đầu, gây khó khăn cho người dân khi ra vào.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Khánh Hội có 4 ấp trọng điểm ven biển, theo rà soát của chính quyền địa phương, khi xảy ra tình huống bão từ cấp 10 trở lên thì có khoảng 1.500 hộ buộc phải di dời. Ông Ðảm cho biết thêm, hiện nay xã đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị khi cần có thể huy động, cơ động hỗ trợ người dân giảm nhẹ thiệt hại, nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, triều cường với cường độ ngày một lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, nhất là đối với những hộ dân đang sinh sống hai bên bờ cửa biển Khánh Hội, khu vực chợ Khánh Hội.
Mùa gió Tây Nam ngư dân thường xuyên đối diện với thời tiết xấu trên biển.
Công tác phòng, chống thiên tai của xã luôn bám sát phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong cả việc ứng phó với bão, ngập úng, sạt lở đất bờ sông, ven biển… Các biện pháp phòng, chống thiên tai ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. “Xã đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các địa điểm tiếp nhận dân khi có tình huống bắt buộc phải sơ tán và xây dựng được đội tàu cứu hộ cứu nạn trên biển với 18 phương tiện sẵn sàng huy động khi cần thiết. Ðặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Ðồn biên phòng Khánh Hội tăng cường kiểm soát tàu ra vào, tuyệt đối không để tàu ra biển khi chưa đảm bảo các thiết bị an toàn”, ông Ðảm thông tin.
Tuy nhiên, để phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” này phát huy được hiệu quả cao nhất, ông Ðảm kiến nghị các ngành sớm đầu tư hệ thống kè chắn sóng tạo bãi để phục vụ cho việc nạo vét cửa biển được thuận lợi hơn, giảm tình trạng bồi nhanh như hiện nay. Ðồng thời, sớm đầu tư đoạn đê biển Tây còn lại từ Khánh Hội đến Hương Mai do còn đê đất và đã bị xói mòn nên cao trình thấp hơn đỉnh triều, nguy cơ tràn đê rất cao, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trên địa bàn Ấp 1 và Ấp 2.
Theo tờ trình về phương án hộ đê và bảo vệ những vị trí trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên tuyến đê biển Tây hiện nay có 1 vị trí trọng điểm về sạt lở với chiều dài hơn 350 m và 10 vị trí xung yếu sạt lở dài hơn 13,9 km. Ðây là những vị trí có nguy cơ vỡ đê, tràn đê, đe doạ đời sống và sản xuất của người dân bên trong.
Nguyễn Phú - Trầm Nghĩ