(CMO) Những ngày giãn cách, từng người, từng gia đình mới thấy trân quý hơn giá trị cuộc sống mình đang có. Toàn hệ thống chính trị, toàn dân đang chung sức, chung lòng, kề vai sát cánh trên một chiến tuyến chống lại “giặc” Covid-19. Ðể rồi lắng đọng và kết tinh lại là bao nhiêu câu chuyện đẹp, bao nhiêu gương người tốt, việc tốt làm lan toả giá trị nhân văn của tình người, nghĩa đồng bào trong Tổ quốc Việt Nam, mà ở đó không một ai bị bỏ lại phía sau.
Nhưng đâu đó, vẫn xuất hiện những nốt trầm buồn, lạc nhịp, mà thật sự không khác gì liều thuốc độc với xã hội trong bối cảnh hiện tại. Không thể không nhắc tới môi trường mạng xã hội với những “anh hùng” mạng, với cộng đồng hùng hậu, đã và đang gây ra một luồng “dịch” vô cùng nguy hại.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương Nam sông Hậu về tình hình phòng, chống dịch, đã nêu một hiện tượng rất đáng quan ngại: “Ðó là các thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng, tiêu cực, thậm chí là xuyên tạc có dấu hiệu ngày càng nhiều, phức tạp trên môi trường mạng”. Ðây là vấn đề không mới, nhưng vẫn vô cùng nhức nhối. Cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thế nhưng, có một điều rất lạ là vẫn có những cá nhân hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc là bất chấp, cố chấp để mà vi phạm.
Ngược lại thời gian Cà Mau ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng (ngày 7/7). Khi cơ quan chức năng chưa công bố chính thức, thì trên các trang mạng xã hội đã truyền nhau hình ảnh phiếu xét nghiệm có đầy đủ thông tin cá nhân người bệnh, có dấu đỏ hẳn hoi. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để chứng tỏ độ "thông thái", thạo tin của mình, cứ thế mà chia sẻ, bình luận. Ở một phía khác, những người tỉnh táo hơn, cảm thấy buồn và vô cùng bức xúc với cách hành xử kém văn minh này. Chưa hết, một tài xế dùng phiếu xét nghiệm đã được chỉnh sửa, gởi cho người khác với mục đích “chọc ghẹo”. Kết quả của lần nghịch dại này là bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Cũng một thanh niên, vì nghe chuyện mẹ kể lại việc UBND phường thu phí khi cấp thẻ đi chợ cho người dân, mạnh dạn đăng tải hình ảnh và câu chuyện nghe kể lại kia, để rồi... bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vì đăng tải thông tin sai sự thật.
Những thông tin tiêu cực lại có độc lực và tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm không kém vi-rút dịch bệnh. Ở nơi nọ, chỉ vì lý giải cho người dân chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”, một vị Phó chủ tịch UBND phường bỗng trở nên “nổi tiếng” trên môi trường mạng. Tất nhiên, trong trường hợp này, mạng xã hội cũng có tác động tích cực để một sự việc cá biệt được giải quyết theo hướng tích cực. Nhưng việc cá nhân vị Phó chủ tịch kia bị cộng đồng mạng “ném gạch đá” sỉ nhục, thoá mạ, thậm chí là “quyết định cách chức” ngay và luôn, thì thật là bi hài.
Mới đây, tại Cà Mau, dư luận người dân phản ánh với báo chí là một xã có thu tiền phí khi cấp thẻ di chuyển/giấy đi đường cho đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh. Báo chí nhanh chóng vào cuộc, địa phương này cũng vô cùng cầu thị khi cung cấp kịp thời, đầy đủ để thông tin sự việc một cách chính xác, khách quan nhất. Ðích thân vị Chủ tịch UBND xã này đến tận nơi trao trả lại các khoản tiền thu của người dân và kèm theo thư xin lỗi. Mọi cớ sự bắt đầu từ chuyện nhập nhằng giữa tiền phô-tô giấy tờ, hay là tiền phí làm thẻ di chuyển. Mọi chuyện chắc không có gì phức tạp, nếu người sử dụng mạng xã hội không đồng loạt chia sẻ thông tin chính thống trên báo chí - mạng xã hội hoá những bài báo, rồi truy bức một cách cực đoan rằng: Có thu tiền hay không? Nếu có là sai. Sai thì chịu trách nhiệm thế nào và cách giải quyết hậu quả ra sao? Không cần biết giải trình, giải thích, bản chất vụ việc ra sao.
Hơn lúc nào hết, xã hội đang cần lan truyền những hành động đẹp, năng lượng tích cực trong đời sống, thay vì trở thành "anh hùng" mạng với những giá trị ảo. (Trong ảnh: Phường 1, TP Cà Mau giúp đỡ người khuyết tật đến nhận quà hỗ trợ). |
Cộng đồng mạng xã hội dù đông, dù nhanh, nhưng dường như không đủ nhẫn nại, bao dung để tìm và hiểu bất cứ câu chuyện nào. Và rằng, những điều tốt đẹp trên môi trường mạng dường như đuối sức nếu so sánh với các thông tin tiêu cực. Những ngày giãn cách, khi ở nhà là yêu nước, nhiều người hầu như dành toàn bộ thời gian của mình trên môi trường mạng xã hội. Ðó là một lựa chọn, trong nhiều lựa chọn, nhưng rõ ràng không phải là duy nhất và tốt nhất. Những "anh hùng bàn phím" thoả sức có dịp tung hoành khả năng của mình trên môi trường ảo. Ðể rồi, cái còn lại chỉ là sự thoả mãn nhất thời, nông cạn, vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội. Ðó là chưa kể, vì những phút giây "tay nhanh hơn não", nhiều “anh hùng” mạng phải đóng tiền phạt. Và bi kịch lớn nhất là bị chính cái môi trường mạng, nơi mà mình mới vừa là “anh hùng” quay lại cắn xé không thương tiếc.
Ðâu chỉ có vậy. Môi trường mạng còn là nơi “cung cấp độc quyền” cho người ta các bài thuốc trị bệnh Covid-19. Có khả năng thổi giá các mặt hàng như gừng, sả, chanh, mật ong... tăng nhanh đội nóc. Nhân danh mạng xã hội, những phần tử thù địch này đang ra sức lôi kéo những “anh hùng” mạng bất chấp, cố chấp, mù quáng trở thành công cụ thực hiện âm mưu thâm độc của chúng. Chúng vin vào những vụ việc đơn lẻ, cá biệt để xuyên tạc, phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch của cả nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Trong giai đoạn khó khăn này, năng lượng tích cực mới là thứ mà mỗi người cần giữ gìn, nuôi nấng và trân trọng. Tham gia mạng xã hội cũng là cách để mỗi người nắm bắt thêm thông tin; một công cụ giải trí giúp tinh thần thêm lạc quan, phấn chấn để chờ khi cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường. Thế nhưng, việc lạm dụng, đắm chìm trong không gian ảo, giá trị ảo để rồi mất kiểm soát, bỏ qua những lựa chọn khác thiết thực, ý nghĩa thì là điều thật sự đáng tiếc. Thôi thì ai cũng có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân. Chỉ lưu ý rằng, mạng xã hội là công cụ, con người mới là người chủ thể sáng tạo và sử dụng. Ðó mới chính là cội nguồn của vấn đề và cũng là cách duy nhất để giải quyết vấn đề./.
Phạm Hải Nguyên