(CMO) Phía sau mỗi Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một câu chuyện bi hùng, tuy khác hoàn cảnh nhưng chung nhau ở niềm đau, sự hy sinh lớn lao và tình yêu Tổ quốc sâu sắc. Giữa mùa tri ân, tôi cùng các bạn đoàn viên đến thăm mẹ Hồ Thị Hiến, ở Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau, được nghe mẹ trải lòng về cuộc đời cơ cực, vất vả nhưng cao cả, giàu nghĩa nhân.
Xe vừa dừng trước nhà, mẹ Hồ Thị Hiến đã ra đến cửa, vui mừng kêu chúng tôi vào ngồi uống nước. Mẹ vỗ vai, nắm tay các bạn đoàn viên huyên thuyên chuyện mấy ngày qua. Rằng mẹ đã nhận được quà dịp 27/7, mỗi đơn vị chỉ đến một, hai người rồi đi nhanh nhưng mẹ không buồn vì hiểu tình hình dịch Covid phức tạp. “Hôm qua cháu Ngân (Tiêu Thị Kim Ngân, công chức Thương binh - Xã hội của phường) vừa cho hộp sữa dinh dưỡng. Tội nghiệp, mấy cháu mỗi lần đến thăm mẹ là đi khắp nhà, coi cái gì thiếu thì mang tới, cái nào cũ thì mua mới, khi đôi dép, cái khăn, cây lược…”, mẹ Hiến bộc bạch.
Một hồi hỏi han lăng xăng, mẹ bỗng nhìn xa xăm rồi kể chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Mẹ có một người con trai duy nhất, là liệt sĩ Dương Văn Ngộ, hy sinh năm 1987 (24 tuổi) tại Bát-đom-boong, Campuchia khi tham gia truy quét tàn quân Pôn-Pốt trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Mẹ và chồng chia tay nhau khi mẹ mang bầu anh Ngộ mới mấy tháng. Hoà bình, lúc đó anh Ngộ chừng 13 tuổi, mẹ con bồng chống tới xứ Tân Tiến, Ðầm Dơi để bắt ba khía mưu sinh. “Cuộc sống từ nhỏ đã thiếu thốn, vất vả nhưng nó ngoan hiền và chịu cực giỏi lắm. Hồi đó nó quyết tâm đi nghĩa vụ, mẹ thắt ruột tiễn con, nuôi hy vọng vài năm sẽ đoàn tụ”.
Chưa đầy 2 năm sau, đơn vị mang giấy báo tử của anh Ngộ đến, mẹ Hiến sụp đổ hoàn toàn, nguồn sống duy nhất của mẹ đã mất. Thế nhưng, mỗi đêm mẹ đều thấy anh Ngộ báo mộng động viên mẹ mạnh mẽ, vượt qua nỗi đau, đã giúp mẹ thêm nghị lực, tiếp tục cuộc mưu sinh đơn độc bao năm. Mẹ tâm tình: “Mẹ về đây ở được 13 năm rồi. Các cháu thấy mẹ ngày càng lớn tuổi, cứ sống một mình không người thân thích nên khuyên mẹ dời về ở gần để tiện bề tới lui chăm sóc”.
Ðoàn Thanh niên Phường 9 đến thăm hỏi sức khoẻ mẹ Hiến. |
Năm nay mẹ Hiến đã 88 tuổi, nhưng còn khoẻ và nhanh nhẹn. Mẹ ở một mình trong căn nhà tình nghĩa vừa được Sở Công thương, đơn vị phụng dưỡng tu sửa lại hồi Tết vừa rồi. Nhà không quá lớn, nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Giữa nhà là bàn thờ cha mẹ, người em trai và liệt sĩ Dương Văn Ngộ. Trước nhà là bộ bàn ghế của Sở Công thương cho, cái tivi của Chủ tịch UBND phường 9 tặng. Dẫn tôi vô trong buồng, mẹ mang ra những chiếc áo dài bằng vải nhung, tắm tắc khoe: “Mấy bộ đồ này của cán bộ tặng mẹ mỗi dịp lễ, Tết, khi nào được mời dự hội họp mẹ mới mang ra mặc, rồi đeo huy hiệu, huân chương (Huân chương Ðộc lập hạng Ba) vào, ai nấy đều khen đẹp”.
Rồi mẹ lặng người ôm ra cái túi vải màu đỏ, cẩn thận nâng niu những giấy tờ tuỳ thân của liệt sĩ Dương Văn Ngộ đã phai nhoà nét chữ theo thời gian. Mẹ xúc động: “Cái này là tài sản quý giá của mẹ. Mỗi lần nhớ con, mẹ lại mang hình ảnh, giấy tờ ra coi. Nó còn sống giờ đã 58 tuổi rồi, chắc giờ mẹ cũng có cháu nội, cháu cố đầy đàn”.
Mỗi lần nhớ con, mẹ lại ngắm nhìn di ảnh. |
Anh em của mẹ đều đã qua đời, ở gần mẹ là những người cháu kêu mẹ bằng cô, bà cô. Tuy cuộc sống họ không mấy khá giả, nhưng thường tới lui phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, có món gì ngon cũng bưng qua ăn cùng với mẹ, những lúc mẹ không khoẻ thì đưa mẹ đi khám bệnh hay thuốc thang… Chúng tôi đang trò chuyện, thì một người phụ nữ chừng 60 tuổi bước vào, mẹ Hiến giới thiệu đó là người cháu dâu tên Biện Thị Bé Em, ở gần nhà mẹ, thường đến hủ hỉ cùng mẹ, những lần mẹ bệnh bà Bé Em túc trực săn sóc tận tình.
Bà Bé Em quê ở Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, cha bà từng tham gia cách mạng địa phương, thuộc diện gia đình người có công. Bà có chồng về TP Cà Mau sinh sống, chồng bà mất cách nay 10 năm, các con đều có gia đình riêng, nên bà có nhiều thời gian dành cho mẹ Hiến. Bà Bé Em bộc bạch: “Tôi thấy thương cô Năm, trước giờ chỉ ở một mình thui thủi, nên tôi tới lui chăm sóc, dần hợp ý nhau nên cô cháu như mẹ con, có chuyện vui buồn gì cũng tâm sự cùng nhau. Vả lại tôi thấy, việc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng cũng là bổn phận cần làm, nên không chút ngại ngần”.
Dẫu biết rằng không gì có thể bù đắp hết những mất mát, đau thương của mẹ nhưng chính sự quan tâm chăm lo đầy yêu thương, trân trọng của người thân, của địa phương, của xã hội sẽ sưởi ấm quãng đời còn lại của mẹ. Mẹ vui mừng khoe, ở con hẻm này, bất kể người lớn nhỏ đều yêu quý, kính trọng mẹ. Mẹ luôn khuyên răn mọi người gắng lo làm ăn, sống tốt đẹp, như vậy là đã giúp xã hội bớt gánh nặng.
Chúng tôi thắp nén nhang lên bàn thờ rồi từ giã mẹ ra về, mẹ Hiến tâm tình: “Gần đây mẹ ngủ không thấy thằng Ngộ về nữa, có lẽ nó thấy mẹ sống khoẻ, sống tốt nên đã yên tâm!”./.
Mộng Thường