(CMO) Cơn mưa bất chợt của một buổi chiều tháng 7, tôi trú mưa dưới mái hiên một căn nhà cùng 2 người phụ nữ. Nỗi cơ cực của những ngày lặn lội, bươn chải đã hằn sâu vào khoé mắt của 2 người phụ nữ ấy. Sẽ không có gì đáng nói nếu tôi không vô tình nghe câu nói: “Mầy có đủ tiền đóng tiền trọ chưa? Tới ngày rồi đó”. Hai người phụ nữ ấy tầm 60 tuổi cùng với 2 chiếc xe chở đầy rau, củ, thịt, cá. Ngẫm lại ở cái tuổi xế chiều ấy lẽ ra đã ở nhà vui vầy bên con cháu, mà họ vẫn còn ở nhà trọ, vẫn bươn chải mưu sinh kiếm “từng đồng từng cắc” quả là điều chua xót.
Mang một chút hiếu kỳ cùng “cái bệnh” nghề nghiệp, tôi bắt chuyện làm quen. Thì ra 2 người phụ nữ ấy là chị em ruột cùng đỡ đần nhau mưu sinh. Bà Tống Thị Bốn là chị, còn bà Tống Thị Năm là em, đều ngụ tại Khóm 6, Phường 6, TP Cà Mau. Quê họ ở tận Thanh Hoá, vào đây sinh sống đã ngót 20 năm và cũng ngần ấy năm “đẩy chợ”. Mỗi ngày, bà Tống Thị Bốn cùng chồng đi gom hàng, từ rau củ quả cho tới thịt cá. Có lúc lấy ở mấy chợ đầu mối, có lúc vào tận ruộng để lấy từ lúc nửa đêm hay sáng sớm. Để khoảng 6 giờ sáng, bà đẩy xe hàng dọc tuyến Quốc lộ 1. Sức khoẻ không tốt do nhiều bệnh của tuổi già nên đẩy đi được một chút, bà lại nghỉ một chút.
Dù nắng hay mưa người phụ nữ này vẫn miệt mài với công việc “đẩy chợ” của mình. |
Cũng theo người phụ nữ 58 tuổi này, đi làm sợ nhất mùa mưa, hay trời nắng gắt, đẩy xe rất cực. Nếu không đẩy mà lắp xe máy để kéo thì không bán được hàng. Với lại ở đây toàn bán hàng cho người dân lao động, công nhân xí nghiệp, lời lãi chẳng là bao. Bữa bán được thì bà lời 100-150 ngàn đồng.
Giở cuốn sổ ghi “mối” bán đồ của mình, bà Bốn chạnh lòng: “Có người nợ từ năm ngoái, năm kia đến giờ này chưa trả. Giờ thì chuyển đi đâu mất, chẳng biết đâu mà tìm. Bán thì nợ, không bán thì ế, nên phải bán đại chứ biết làm sao giờ. Lớn tuổi rồi mình xin đi mần mướn người ta đâu có chịu mướn, nên phải ráng. Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề, nhưng bỏ nghề thì lấy gì mà sống”.
Hoàn cảnh bà Tống Thị Năm hoàn cảnh cũng không khá hơn chị của mình. Sống nơi đất khách quê người mấy mươi năm nhưng bà vẫn phải ở nhà thuê, 1 tháng 2 triệu đồng. Hàng ngày bà Năm cùng chị mình rong ruổi khắp các hang cùng, ngõ nhỏ để bán. Xe bà Năm có món này thì xe bà Bốn có món kia, bổ sung qua lại để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nuôi 2 cháu mồ côi, ngày ngày công việc của bà bắt đầu từ lúc mọi người còn ngon giấc. Đến sáng là bà bắt đầu đẩy xe dọc theo các tuyến đường để bán, hết đồ mới trở về nhà.
Lấy vạt áo lau những giọt mưa còn đọng lại trên mặt, bà Năm chia sẻ: “Đâu có nghề nào kiếm ra tiền mà không cực khổ, đổ mồ hôi. Cái nghề này nắng mưa gì cũng cực, lúc nắng mồ hôi đổ như tắm, đến thở cũng thấy mệt, mưa thì ướt sũng, cứ đi đến khi khô áo quần. Lời lãi là bao, bán giá cao một chút người ta đâu chịu mua. Mình lấy công làm lời thôi".
Tâm sự giây lát, thấy mưa bớt nặng hạt, 2 người phụ nữ ấy lại tiếp tục đẩy xe đi bán. Khi đi, bà Bốn còn quay lại bảo chúng tôi khi nào rảnh ghé chơi. Bà cho địa chỉ, rồi còn dặn, trước nhà bà có cây si, buổi chiều là có 2 chiếc xe đẩy đậu trước cửa. Khi nào thấy trên xe còn nhiều đồ là bữa đó “ế” rồi đó. Bà vừa nói vừa cười nhưng chúng tôi cứ cảm thấy điều gì đó xót xa./.
Nguyên Nguyên