(CMO) Không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy chở đầy các loại thực phẩm như rau, củ, cá, thịt… trên khắp các con lộ thôn quê trong địa bàn huyện Đầm Dơi để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân nơi đây. Vì thế, cái gọi là “chợ di động” cũng được bà con vui vẻ chào đón.
Trước đây, người dân ở một số địa bàn của huyện Đầm Dơi khi muốn mua bán mọi thứ đều phải đi đến các chợ xã, huyện hoặc nhờ các phương tiện “chợ di dộng” trên sông. Nay nhờ những con lộ nông thôn mới nên “chợ di động” có thêm một hình thức với phương tiện xe máy chở thực phẩm lưu thông trên địa bàn.
Anh Phan Thi, 37 tuổi, ở ấp Hoà Phong, xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghề này hơn 2 năm rồi. Tôi bán các loại củ quả dọc theo những tuyến lộ nhỏ, lớn ở các ấp thuộc xã Tân Đức, Tạ An Khương Đông... Trước đây tôi đi bán bằng xuồng hơn 6 tháng nhưng quá cực, lại bất tiện khi phụ thuộc vào thuỷ triều, nhất là vào những ngày lấy đủ hàng về mà gặp ngay con nước ròng thì rầu lắm vì khó bán được hàng. Sau này, nhờ các con lộ nông thôn mới mà tôi chuyển sang đi bằng xe gắn máy, cái gì cũng tiện hơn cho tôi và cho cả người mua mà thu nhập cũng không kém”.
Trên con lộ nhỏ, chị Đặng Mỹ Hạnh mua hàng từ “chợ di động”. |
Để thuận tiện trong việc mời gọi khách hàng, các câu rao bán hàng cũng được phát bởi cái loa phía trước xe như “ai mua cà chua, cà tím, dưa leo, bí đỏ… hông?”; Hay “dưa leo 2 ký 15 ngàn đồng, dưa hấu 10 ngàn đồng 1 ký…” để khách hàng dễ dàng biết được giá cả và các mặt hàng được bán.
Cứ thế, mỗi ngày nghe tiếng mời gọi quen thuộc ấy là chị Đặng Mỹ Hạnh, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi lại chạy ra mua hàng, khi thì trái bí, trái bầu, dưa leo, thêm một ít cá, thịt… đủ dùng trong ngày cho gia đình. Chị Hạnh vui vẻ cho biết: “Mấy năm trước khi con lộ này chưa làm, việc mua bán khó khăn lắm. Muốn mua bán cái gì mà không đi chợ được là sáng sớm phải ngồi trên bến sông đón xuồng. Nếu ngay con nước ròng là ngồi cả buổi có khi cũng không đón được gì. Việc nhà cũng vì thế mà chậm trễ. Cho nên từ lúc có “chợ di động” trên lộ thì tiện hơn nhiều lắm. Mỗi ngày có 3 lượt xe bán hàng đủ các loại thực phẩm nên muốn mua gì thì nghe câu mời gọi từ xa chạy ra là vừa kịp lúc. Đã vậy giá cả lại phải chăng, có khi còn rẻ hơn so với đi chợ”.
Cũng mưu sinh với nghề này, chị Nguyễn Kim Thuỷ, 41 tuổi, ở ấp Tân Phong A, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi hồ hởi chia sẻ: “Tôi quê ở Đồng Tháp, sau khi lấy chồng về đây thì bắt đầu kinh doanh nghề này, đến nay cũng được mấy năm rồi. Tuy hơi vất vả nhưng mỗi ngày lãi khoảng 300-400 ngàn đồng, khi bán nhiều thì được hơn 500 ngàn đồng/ngày”.
Được biết, khi bắt đầu gắn bó với nghề này thì mỗi ngày, khoảng 1 giờ sáng là chị Thuỷ phải đến các điểm chợ lớn trên địa bàn TP Cà Mau để lấy đủ tất cả các mặt hàng, từ rau, củ, quả cho đến gà, cá, thịt… chất đầy lên mấy cái vỏ đệm trên chiếc xe máy của mình. Sau đó, chị Thuỷ chạy khắp các con lộ, từ nhà này sang nhà khác để bán cho những người khách quen hay khách hàng xa chợ.
Theo chị Thuỷ, nghề này tuy cực khổ vì ngày nắng hay mưa đều phải chạy một quãng đường khá xa, nhưng ít ra nó thuận tiện hơn so với đi bằng phương tiện trên sông. Lại thêm người mua cũng ít khi kỳ kèo, mặc cả nên việc mua bán cũng nhanh chóng theo kiểu thuận người bán, vừa người mua, nhờ vậy kinh tế của gia đình chị cũng ổn định hơn. Hình thức kinh doanh này hiện nay khá phổ biến và cũng nhờ sự tiện lợi nên loại “chợ di động” này được bà con thôn quê ưu tiên chào đón và ủng hộ./.
Ngọc Gấm