ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:32:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Hình thái mới” cho hoạt động thương mại

Báo Cà Mau (CMO) “Phát triển thương mại phải có sự hài hoà, đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, phục vụ hoạt động thương mại, nhất là phát triển được các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hoá, xem thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hoá lĩnh vực thương mại trong tình hình mới”, ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh về chiến lược phát triển thương mại của tỉnh trong giai đoạn mới.

Chiến lược phát triển thương mại đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau xác định, ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, khai thác, vận hành hoạt động thương mại. Khi đó, hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Từng bước áp dụng công nghệ số

Những năm qua, tỉnh luôn dành nguồn lực đầu tư, đồng thời tăng cường mời gọi xúc tiến đầu tư, xã hội hoá từ các doanh nghiệp. Tính riêng giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 18 chợ vùng nông thôn. Trong đó, xây dựng mới 10 chợ, cải tạo, nâng cấp 8 chợ với tổng số tiền 185,48 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương  43,51 tỷ đồng; vốn tư nhân 141,97 tỷ đồng).

Hiện nay, toàn tỉnh có 71 chợ (trong có 1 chợ hạng 1; 9 chợ hạng 2; 61 chợ hạng 3, chợ tạm); 7 trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư xây dựng khá hiện đại; 130 cửa hàng tiện lợi với các loại hình kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh; có khoảng hơn 6.300 cơ sở kinh doanh tổng hợp (cơ sở bán lẻ) các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng.

Toàn tỉnh hiện có 7 trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư xây dựng khá hiện đại; 130 cửa hàng tiện lợi với các loại hình kinh doanh tổng hợp.

Xu thế mới đòi hỏi hoạt động thương mại, dịch vụ thay đổi hình thái để đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại hiện đại. Ông Dương Vũ Nam cho hay: “Sẽ cơ cấu lại lĩnh vực thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh như: tiếp tục duy trì các hình thức kinh doanh truyền thống (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ...) phù hợp với từng địa bàn, đặc biệt là các khu vực nông thôn; ưu tiên phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số trở thành hình thức thương mại chủ đạo”.

Theo đó, từng bước xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, ứng dụng công nghệ QR Code đối với sản phẩm, hàng hoá tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trong tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hoá để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp quy mô thị trường của từng địa bàn.

Ngoài ra, tập trung mời gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II nhằm kết nối tỉnh Cà Mau với các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Thu hút đầu tư hạ tầng hệ thống các trung tâm logistics hiện đại, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hoá trong nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu.

Thương mại điện tử hoá nông thôn

Với những bước đi đó, Cà Mau đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 8-8,5%; đến năm 2030 đóng góp khoảng 11-13% vào GRDP của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ bán lẻ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) tăng bình quân 11-12%/năm.

Trong đó, thương mại điện tử phát triển nhanh, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đầy đủ, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giao dịch. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; phấn đấu đạt trên 40% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

Thực hiện Chiến lược phát triển thương mại đến năm 2030, Cà Mau sẽ từng bước triển khai các chương trình thương mại điện tử hoá nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho người dân nông thôn (Ảnh: Tiểu thương kinh doanh tại chợ Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) 

Ông Nam chia sẻ: “Để đạt mục tiêu đó, điều đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo đúng cơ chế thị trường và cam kết quốc tế. Triển khai chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hỗ trợ các điều kiện kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai”.

Điều cốt lõi là phải gia tăng nhu cầu tiêu dùng cuối cùng trong tỉnh, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hoá. Trong đó, hình thành các chuỗi liên kết dọc; liên kết ngang; giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, để phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hoá, cần hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, cổng thông tin xuất khẩu của Bộ Công thương; ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...), các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội (Facebook, Zalo...).

Triển khai ứng dụng Vpostcode (nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số) vào nhiều ngành, lĩnh vực như mua bán nông sản, cung ứng dịch vụ điện, nước, gas, viễn thông, dịch vụ an ninh...

 “Đặc biệt, từng bước triển khai các chương trình thương mại điện tử hoá nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho người dân nông thôn; hỗ trợ các khoản vay cho người dân nông thôn để thực hiện thương mại điện tử; phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để tạo các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng nền tảng trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường”, ông Nam nêu định hướng./.

 

Hồng Nhung