(CMO) Người tham gia giao thông vi phạm đi ngược chiều tại các chân cầu là câu chuyện không hề mới, tuy nhiên, đây lại là vấn đề đáng quan tâm, bởi nó phản ánh ý thức tự giác chấp hành luật của một bộ phận người tham gia giao thông. Ðồng thời, đây cũng là hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, nhất là vào các giờ cao điểm.
Hiện nay, hành vi vi phạm đi ngược chiều bất chấp luật lệ tại các chân cầu ở trung tâm TP Cà Mau diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nơi ghi nhận nhiều và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao phải kể đến là khu vực chân cầu Cà Mau (phía Phường 5 và Phường 7, TP Cà Mau).
Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vô tư chạy ngược chiều tại chân cầu Cà Mau. |
Không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm tại khu vực chân cầu này. Bất kể thời điểm nào trong ngày, chỉ cần khi quan sát không thấy bóng dáng lực lượng chức năng, người tham gia giao thông có thể di chuyển bất chấp luật lệ, mặc dù cả phía chiều lên và chiều xuống tại khu vực chân cầu này, ngành chức năng đã cắm các biển báo cấm rẽ ngược chiều.
Thực tế có nhiều trường hợp va chạm xảy ra. Chị Phạm Hồng Cẩm, nhà nằm ngay khu vực chân cầu này, cho biết: “Chuyện quẹo trái lên cầu diễn ra thường xuyên, đã có nhiều vụ va chạm xảy ra tại khu vực này, nặng có, nhẹ có. Nói chung là chọn cách quẹo trực tiếp lên cầu như thế này rất nguy hiểm”.
Ðây cũng là tình trạng chung tại các khu vực chân cầu trên địa bàn thành phố, cũng vì muốn thuận tiện hơn cho bản thân, một bộ phận người tham gia giao thông, chủ yếu là xe mô-tô, xe gắn máy bất chấp luật lệ.
Vấn đề đặt ra ở đây là có lẽ vì chế tài xử phạt chưa thực sự nghiêm nên một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn lơ là, chủ quan và “lờn luật”.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Quốc Khởi, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Cà Mau, nhận định: “Nhận thấy được những nguy cơ, cứ vài ngày là lực lượng chức năng Công an thành phố lại tuần tra, kiểm soát các lỗi vi phạm tại các khu vực này. Các quy định xử phạt đã tăng hơn nhiều so với trước, người điều khiển phương tiện vi phạm các hành vi này sẽ bị tước giấy phép lái xe trong vòng 1-2 tháng và phạt tiền lên đến hơn 1 triệu đồng. Nhìn chung, tình hình có giảm nhưng không nhiều, người điều khiển phương tiện vẫn di chuyển sai luật khi không có lực lượng làm nhiệm vụ”.
Từ thực tế trên cho thấy, việc chấp hành luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn là câu chuyện đáng bàn. Bên cạnh chế tài xử lý, vấn đề quan trọng vẫn là mỗi người nên có ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Có như vậy mới từng bước đưa tình hình trật tự an toàn giao thông tại các khu vực chân cầu trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp và hiệu quả trong thời gian tới./.
Lê Chí