ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-7-25 14:46:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”…

Báo Cà Mau (CMO) Trong chuyến khởi hành đầu xuân, chúng tôi một lần nữa về thăm Năm Căn, nơi ông Lê Văn Đức (Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn) giới thiệu: “Về đó đi, phải tận mắt chứng kiến nỗ lực của thầy trò Trường THCS Hiệp Tùng mới thấy hết những nhọc nhằn và niềm vui khi trường được công nhận đạt chuẩn”. Trong lòng mình, tôi cũng nói thật: Đã viết bài cho biết bao nhiêu trường đạt chuẩn, thấy vui thì có vui, nhưng ấn tượng đọng lại cũng chỉ một vài nơi.

Thế rồi sau mấy tiếng đồng hồ vượt nắng gió, vượt qua những chuyến phà lênh đênh, có đoạn dường như chẳng còn đường để đi tiếp, đột ngột trước mắt chúng tôi là ngôi trường khang trang, xanh mát. Giữa vùng cửa sông, ven biển cách trở này, mái trường như một nét chấm phá làm dịu bớt bao nỗi nhọc nhằn, lo toan và trên hết là thắp lên một hy vọng vào tương lai phát triển. Vậy rồi bên ly trà đầu xuân, chúng tôi được kể về hành trình đầy gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào…

Con chữ làm "đất" tốt tươi

Hiệp Tùng là xã xa xôi của huyện Năm Căn, đến bây giờ vẫn còn cách trở về đường giao thông bộ. Thầy Nguyễn Văn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường thành lập năm 1997, tôi 2 năm sau mới về, nhưng nghe kể lại thì thấy vất vả lắm”.

Trường THCS Hiệp Tùng từ khi thành lập đã chuyển 3 địa điểm, mỗi lần chuyển trường là đánh dấu một chặng phát triển. Những ngày đầu (trường đóng tại Ấp 7B), nhà trường chỉ có 4 cán bộ, giáo viên, 3 phòng học và 7 lớp học. Đi vào hoạt động mới 1 tháng thì bão Linda ập tới, toàn bộ cơ sở vật chất nhà trường bị “xoá sổ”. Thầy trò cùng với bà con địa phương nhặt nhạnh lại từng miếng tol, gom góp từng cây gỗ, đóng tạm bàn ghế để tiếp tục việc học hành.

Năm 1999, trường chuyển về Ấp 5, bắt đầu thời kỳ ổn định. Thầy Tài vẫn nhớ như in: “Hồi đó bà con vùng này họp lại để bàn việc giúp đỡ các thầy cô giáo quê xa việc ăn uống, sinh hoạt”.

Phần lớn giáo viên của trường đều ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, như lời thầy Tài: “Có tấm lòng của bà con, chúng tôi thấy vững lòng tin, có lẽ vì vậy mà vượt qua được mọi khó khăn”. Dù đời sống còn thắt ngặt, bà con vùng Hiệp Tùng hết lòng cưu mang thầy cô giáo, còn thầy cô giáo thêm vững tin trong sự nghiệp trồng người. Niềm tin ấy đã sớm gieo vào vùng đất bãi bồi, sông rạch những hạt giống của tri thức, hứa hẹn những mùa vàng bội thu…

Cho đến thời điểm hiện tại, 30% học sinh (trong tổng số hơn 300 em) vẫn phải ngồi đò tới lớp, còn mấy năm trước là hầu hết phải theo đường sông để đến trường. Vị hiệu trưởng tâm sự: “Có em phải thức từ 4 giờ sáng, đem theo đèn pin, mì tôm, lội tắt bờ vuông để ra đò cho kịp chuyến. Vậy mà lạ, ở đây hầu như không có em nào bỏ học”. Còn với giáo viên, chúng tôi ngẩn người khi nghe thầy Tài nói về chuyện “ngày lao động xã hội chủ nghĩa”. Thầy Tài giải thích: “Đó là chuyện mà trường còn duy trì được như nếp sống những năm “bao cấp”, nghĩa là làm vì lợi ích cộng đồng, làm vì lý tưởng, trách nhiệm và làm bằng cả con tim. Vậy ra, thời “bao cấp” đâu phải chuyện gì cũng dở.

Thầy cô, 25 người, đã không thể tính nổi những ngày công, những công trình, phần việc đã dồn sức cho ngôi trường thân yêu, bởi họ nghĩ: “Tính toán làm gì khi đó là máu thịt của mình, là cả cuộc sống của mình”. Đến đây, chúng tôi cũng đã rất băn khoăn khi lựa chọn một cái “tít” cho bài viết về ngôi trường đặc biệt này. Nghĩ mãi, chúng tôi nhất quyết không chọn những cụm từ hay sử dụng như “nhạc hiệu” cho hầu hết các bài viết về trường đạt chuẩn như “tưng bừng”, “náo nức”, “rộn ràng”, “tự hào”…mà dùng một ý tứ của ca dao tục ngữ: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”… như cái trầm lắng của vị hiệu trưởng khi đối diện với chúng tôi bây giờ.

Xây tầm vóc, đón tương lai 

Với thầy Tài, khi được hỏi điều gì khó khăn nhất trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn, ông nói: “Cơ sở vật chất thì có nguồn vốn đầu tư của trên, các mặt khác trường cũng chuẩn bị sẵn sàng, duy chỉ có diện tích đất nhà trường là chưa đảm bảo”. Nói về đất, coi như là nói về một tình huống “chiếu bí”. Vậy nhưng những người dân Hiệp Tùng lại không nghĩ vậy. 2 hộ ông Phan Văn Phương và Võ Hồng Vĩnh đã hiến 1.500 m2 đất cho nhà trường và “cứu một bàn thua trông thấy”. Về chuyện này, gặp anh Phương (cũng là viên chức của trường), anh nói: “Cái này là chuyện nên làm, gia đình tui ủng hộ hết lòng từ trên xuống dưới”.

Cơ sở vật chất của nhà trường đã đảm bảo theo hướng hiện đại hoá giáo dục khi trang bị thêm các nhà đa năng, phòng truyền thống, thí nghiệm, tin học và thư viện. Cái chúng tôi “ưng ý” nhất chính là mô hình cột mốc Trường Sa hiện lên uy nghi, thiêng liêng giữa sân trường.

Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng hiện đại, thiết thực. (Ảnh: Giờ thực hành Sinh học của thầy trò trường THCS Hiệp Tùng).

Thầy hiệu trưởng chia sẻ: “Đây là ý tưởng chung của tập thể, chúng tôi quyết tâm làm”. Quyết tâm của thầy cô đã được chính quyền, Nhân dân và các nhà hảo tâm ủng hộ. Công trình hoàn thành với kinh phí trên 120 triệu đồng nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao. Trường THCS Hiệp Tùng đã tiên phong trong cách giáo dục lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của đất nước Việt Nam một cách trực quan, sinh động và thuyết phục.

Một điểm nhấn nữa của nhà trường đó là hệ thống cây xanh, nhất là hàng rào cổng trường bằng cây xanh “độc nhất vô nhị”. Ở xứ biển, xứ rừng này, cái hàng rào bằng cây tự dưng làm cho ngôi trường trở nên mềm mại hơn, gần gũi hơn và có cái “chất riêng” của người xứ địa đầu cực Nam Tổ quốc. Bởi vậy, thầy Tài rất ưng ý: “Ở cổng trước, rồi khuôn viên phía sau chúng tôi đều làm hàng rào bằng cây xanh. Nó ít tốn kém mà phù hợp với mình, vậy thì cớ gì không làm”. Trước giờ trường THCS Hiệp Tùng “có tiếng” về việc tạo cảnh quan môi trường, điều đáng trân quý là làm được việc ấy trong điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết không thuận lợi. Bước vào ngôi trường, chúng tôi hiểu vì sao từng thầy cô, từng học sinh lại thấy tự hào đến vậy về nơi mình gắn bó.

Câu chuyện của thầy hiệu trưởng lại chuyển sang chất lượng giáo dục, đội ngũ nhân lực và các hoạt động phong trào. Thầy Tài nói: “Có năm, đội bóng chuyền của huyện bậc THCS dự thi cấp tỉnh gần như là toàn bộ đội bóng của trường đó”. Còn học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp, thầy đưa chúng tôi số liệu rồi nói rất gọn: “Cũng nằm trong tốp những trường có thành tích khá trong toàn huyện”. Vâng! Chúng tôi tin thầy. Bởi từ ngôi trường ọp ẹp cách đây 20 năm, gần như “tay trắng” mà các thầy cô và nhiều thế hệ học sinh đã gầy dựng nên cơ ngơi đàng hoàng, tươi đẹp như hôm nay. Tin bởi vì thầy còn đọc từng tên học sinh đã thành đạt, đã đi làm hằng năm đều quay về mái trường xưa để tri ân và góp sức.

Còn bây giờ là sắp đến ngày vui. Bây giờ con chữ đã vun đắp cho vùng đất này thêm tốt tươi, giàu đẹp. Và bây giờ, những người đã gắn bó với ngôi trường trong chặng đường 20 năm qua, quên làm sao được những ân tình, những gian lao, vất vả. Thật nghẹn ngào và khó để tả cho hết niềm vui./.

Phạm Hải Nguyên 

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Đảm bảo được tính nghiêm túc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Bạc Liêu đã khép lại với sự an toàn, nghiêm túc. Dù thời tiết mưa nắng thất thường gây ít nhiều trở ngại, nhưng các thí sinh (TS) vẫn đến điểm thi đúng giờ, nỗ lực hoàn thành tốt từng môn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Quyết tâm đảm bảo an toàn, nghiêm túc tối đa

​Với tính chất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tương lai của hàng ngàn thí sinh, nên các cấp lãnh đạo, các ban, ngành của Bạc Liêu, nhất là ngành Giáo dục đang nỗ lực với quyết tâm rất cao để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 một cách an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Quyền Giám đốc Sở GD-ĐT: Bạc Liêu đã sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp

​Chỉ còn 2 ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chính thức diễn ra. Để tổ chức kỳ thi thành công, vai trò của ngành Giáo dục là rất lớn.

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tự hào và tỏa sáng

​Năm 2024 vừa qua được xem là mốc son lịch sử trong hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu. Cũng ngần ấy năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã không ngừng khẳng định thương hiệu và tỏa sáng toàn diện.

Thí sinh Bạc Liêu đã sẵn sàng cho “trận đánh lớn”

Sức nóng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang lan tỏa khi chỉ còn vài ngày nữa là thời khắc “điểm hỏa” chính thức bắt đầu.

Nắm chắc điểm mới, tự tin bứt phá trong môn thi Vật lý

​Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang cận kề, trong đó môn Vật lý ghi nhận một số điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi.