(CMO) Theo dự báo của Ðài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ, từ ngày 1-10/3 cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông Nam Bộ ở cấp độ 2. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng, bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tập trung trong tháng 3 và 4 (từ ngày 18-25/3 và 17-23/4).
Đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua đã khiến nước mặn tiếp tục lấn sâu vào nội đồng; độ mặn đo được trên các sông, rạch trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng và còn biến động trong thời gian tới. Theo dự báo của Ðài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ, từ ngày 1-10/3 độ mặn tại hầu hết các trạm trên các sông Nam Bộ ít biến đổi hoặc giảm chậm trong nửa đầu tuần, sau tăng chậm. Ðộ mặn cao nhất tại hầu hết các trạm xuất hiện vào nửa đầu tuần, ở mức thấp hơn tuần trước. Riêng trên địa bàn tỉnh, tại trạm trên Sông Ðốc độ mặn có thể đạt cao nhất là 26,3%o, xuất hiện vào khoảng ngày 10/3.
Do đặc thù Cà Mau là tỉnh giáp biển Ðông và biển Tây, nước biển dâng trên các vùng biển tỉnh có khả năng cao nhất ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 đối với biển Ðông và cấp 3 đối với biển Tây. Trong khi đó, tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc và hầu hết các kênh rạch trên địa bàn tỉnh đều thông ra biển. Nhiều kênh trục lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thoát nước dễ dàng phục vụ nghề nuôi thuỷ sản, nhất là nuôi tôm; điển hình như sông Gành Hào, sông Ðầm Chim, sông Ðầm Dơi, sông Cửa Lớn, sông Bảy Háp, sông Ông Ðốc, sông Cái Tàu, sông Trẹm, kênh Chắc Băng, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, Cà Mau là địa phương ven biển duy nhất ở khu vực ÐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn; đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa. Từ đó làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, nhất là khi xảy ra hạn hán; sẽ không đủ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.
Tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý, sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất hợp lý, tiết kiệm là giải pháp quan trọng để hạn chế thiệt hại do hạn mặn. |
Ðể ứng phó với tình hình xâm nhập mặn theo dự báo của Ðài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở thường xuyên kiểm tra các công trình ngăn mặn, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, không để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hoá; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn đang thực hiện, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, nhất là các công trình cống, đập khoanh ô thuỷ lợi; thường xuyên kiểm tra, đo độ mặn trên các sông, kênh rạch, các cống ngăn mặn, đặc biệt là vùng ngọt hoá huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời để có chỉ đạo xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thành phố tiếp tục rà soát, thống kê các diện tích sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái... có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, triển khai các giải pháp xử lý phù hợp để phòng ngừa thiệt hại, đảm bảo phục vụ sản xuất hiệu quả. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, rà soát, thẩm định hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.
Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ra thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của người dân. Theo dự báo, mùa khô năm nay có thể kéo dài đến tháng 5. Ðồng thời, theo đánh giá của các cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời gian tới tình hình hạn hán sẽ còn gay gắt hơn nữa do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Ðể ứng phó với những diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn theo dự báo, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo chủ động cấp thoát nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thuỷ lợi kín; tăng cường đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước, các công trình ngăn mặn, chống sạt lở...
Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại về nông nghiệp, nhiễm mặn nguồn nước ngầm, sạt lở, cháy rừng. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Do đó, cùng với những giải pháp công trình về thuỷ lợi lớn, cấp nước sinh hoạt để phòng, chống, quan trọng hơn là cần có giải pháp “sống chung” với hạn mặn. Trong đó, việc chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường việc hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt cũng như sử dụng nước tiết kiệm. Ðẩy nhanh, mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… từ trong phòng, chống xâm nhập mặn cho đến đời sống và sản xuất./.
Nguyễn Phú