(CMO) Ngày 14/12, trong không khí náo nức chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, dân và quân Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau lần thứ IV năm 2020.
Đến dự lễ trao giải có ông Huỳnh Quốc Việt, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải; Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng.
Đây là giải thưởng lớn của tỉnh, mang tên Nhà giáo, Nhà văn, Nhà báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Ngọc Hiển. Giải thưởng được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần. Đây là lần thứ IV tỉnh Cà Mau tổ chức xét tặng cho tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh có tác phẩm, công trình có giá trị về tư tưởng nội dung và hình thức nghệ thuật, phản ánh về đất và người Cà Mau trong 2 cuộc kháng chiến, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt trao hoa cho Ban Tổ chức và thành viên Hội đồng giải thưởng
Theo Ban tổ chức giải thưởng, tham dự giải lần này có 76 tác phẩm và 2 công trình của 44 tác giả và 2 nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh thuộc 8 chuyên ngành của văn học, nghệ thuật. Các tác phẩm, công trình dự thi phản ảnh hiện thực sinh động về quê hương Cà Mau, khai thác được các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng và những đề tài đương đại, có giá trị nghệ thuật.
Trong quá trình tuyển chọn, Ban Tổ chức giải thành lập 8 ban sơ khảo theo từng chuyên ngành, thẩm định tác phẩm độc lập. Qua đó, đã tuyển chọn được 21 tác phẩm và 2 công trình của 21 tác giả và 2 nhóm tác giả đủ điều kiện vào chung khảo. Từ kết quả vòng chung khảo, Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã bầu chọn ra 14 tác phẩm, công trình của 14 tác giả, nhóm tác giả thuộc 7 chuyên ngành: Âm nhạc, điện ảnh, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và văn học xuất sắc nhất để trao giải thưởng danh giá lần này.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao hoa và giải thưởng cho ông Đỗ Văn Nghiệp với tác phẩm phim tài liệu “Tăng Phát Vinh - Nghệ nhân Dân gian”
Đó là các tác phẩm, công trình (Âm nhạc): Ca khúc “Áo mới Cà Mau” của cố Nhạc sỹ Thanh Sơn; Hợp xướng “Về Năm Căn nghe sóng hát” của tác giả Tô Thanh Nhân; Ca khúc “Tự hào thành phố Cà Mau” của Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Để. (Điện ảnh) Phim tài liệu “Tăng Phát Vinh - Nghệ nhân Dân gian” của nhóm tác giả do Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp đại diện. (Múa) Múa độc lập “Hương cốm” của cố biên đạo múa Ngọc Bích; Múa độc lập “Ra khơi” của biên đạo múa Dương Hoàng Vũ. (Mỹ thuật) cụm tác phẩm “Ký họa kháng chiến” của cố họa sỹ Vương Văn Nhiệm. (Nhiếp ảnh) Tác phẩm “Bảo dưỡng định kỳ tua bin điện lực dầu khí” (thể loại ảnh màu) của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Dũng; tác phẩm “Giờ học ở Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau” (thể loại ảnh đen trắng) của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Trọng Thắng. (Sân khấu) Vở cải lương “Rạng ngọc Hòn Khoai” của tác giả Tiết Văn Dũng; Bài vọng cổ “Mẹ Lê Thị Xuyến” của Nghệ sỹ sân khấu Minh Đăng. Công trình đạo diễn: Vở cải lương “Bến đợi” của đạo diễn Nguyễn Quốc Tín. (Văn học) Bút ký “Cuộc chạy trốn “cầu âu” của Nhà thơ Lê Giang; truyện ngắn “Gia tộc ăn đất” của Nhà văn Lê Minh Nhựt.
Trích đoạn vở cải lương “Rạng ngọc Hòn Khoai”được công diễn tại lễ trao giải
Sau các lần tổ chức, Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển lần thứ IV ngày càng đa dạng, phong phú hơn về nội dung, số lượng tác phẩm tham dự và đoạt giải. “Nhìn vào kết quả xét tặng của đợt trao giải thưởng lần này, chúng tôi khẳng định rằng: Hoạt động văn học, nghệ thuật Cà Mau không ngừng phát triển, đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng đông đảo, đầy nhiệt huyết và sáng tạo đi cùng Nhân dân trên các chặng đường phát triển của đời sống xã hội”, ông Trịnh Thanh Vũ, Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng, Trưởng Ban chỉ đạo giải, nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Ban tổ chức Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy và giữ vững vị trí trong lòng công chúng; nâng tầm giá trị của các tác phẩm, công trình nghệ thuật. Đó không chỉ là nguồn nuôi dưỡng tinh thần mà còn là cả trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trên chặng đường phát triển và nâng cao đời sống tinh thần của công chúng và cả xã hội. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa những tác giả, nghệ sỹ tham dự và cống hiến, để văn học, nghệ thuật Cà Mau tiếp tục có những tác phẩm mới, những cống hiến mới, phát triển sâu, rộng hơn nữa trong thời gian tới”./.
Phong Phú