Tháng 1/1975, tại ngôi trường sư phạm kháng chiến đóng ở Rẫy Mới, kênh Ông Ðơn (nay thuộc xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn), những giáo sinh khoá 11, sau 7 tháng học tập cấp tốc đã lưu luyến chia tay, mỗi người về mỗi ngả. Ðể rồi mãi đến 49 năm sau, thầy, bạn mới có ngày hội ngộ, tóc xanh đã nhuốm màu sương trắng, ký ức ngày xưa ùa sống dậy như mới hôm nào.
Vỡ oà cảm xúc
Mặc dù lịch họp mặt 8 giờ 30, nhưng mới hơn 7 giờ, khá đông thầy cô, bạn bè đã có mặt. Dường như ai cũng muốn đến sớm hơn để nhanh chóng gặp lại những gương mặt thân thương ngày nào.
Những câu chào ngờ ngợ, những lời thăm hỏi, rồi cảm xúc vỡ oà khi đã nhận ra nhau. Những cái siết tay, tiếng nói cười rôm rả...
Không gian phòng họp mặt Nhà khách Minh Hải càng trở nên sôi động, khi lớp phó Trương Minh Thắng ngày nào giới thiệu tên từng người, những đặc điểm ngày xưa, quá trình công tác, cuộc sống hiện tại...
Các cựu giáo sinh khoá 11, năm 1974-1975, Trường Sư phạm Cà Mau, chụp hình lưu niệm cùng thầy cô giáo của khoá học năm xưa tại buổi họp mặt.
Bao nhiêu yêu thương, bao ký ức một thời gắn bó nhau tại ngôi trường cây lá tạm ở vườn nhà chú Hai Khanh, Rẫy Mới, kênh Ông Ðơn ngày ấy cứ lũ lượt hiện về.
“Khoá 11 không phải cất trường vì đã được khoá 10 cất sẵn, nhưng cũng phải sửa sang rồi mới học được. Hồi đó gạo thì được cấp, còn lại mỗi thứ phải tự lực hết. Riêng chuyện cải thiện bữa ăn thì nước lớn nước ròng, nam phải đi mò cá dưới sông; các bạn nữ thì tranh thủ đi lựa tôm, cá ở các hàng đáy rồi người ta cho cá mang về dùng... Khó khăn thiếu thốn đủ điều, vậy mà các em rất chịu khó học tập”, thầy Tư Quý (Tô Ðình Quất), Hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại.
Thầy Lê Ngọc Các, người con quê hương Ninh Bình kết nghĩa được chi viện vào Cà Mau, không sao quên được cái ấn tượng của những ngày đầu mới đến, đó là muỗi. “Muỗi sao mà lắm thế. Tôi ngủ trong cái mùng chỉ lủng lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay ở góc, vậy mà muỗi chui vô cắn no căng, đập tới 40 con”; “Tôi và mấy thầy tối cứ phải đốt vỏ dừa đầy khói, rồi ngồi trong khói mà uống trà để tránh muỗi”; “Có lần đi chặt cây ở Bàu Sen về sửa trường, trong rừng muỗi rất nhiều, thầy trò phải lấy sình trét hết cả mặt mũi, tay chân cho muỗi khỏi đốt”... Ký ức về muỗi ngày ấy cứ hiện lên từng mảng trong thầy.
“Ðể có tiền phụ lo đời sống, chúng tôi phải tranh thủ đi cấy mướn, phát mướn, gặt mướn... Khó khăn thiếu thốn, nhưng tình thương yêu thầy trò, bạn bè càng thêm thắt chặt. Ngày kết thúc khoá học, chúng tôi chia tay để trở về địa phương công tác, ai cũng bịn rịn, không ngăn được dòng cảm xúc...”, ông Nguyễn Thuyết Minh bồi hồi nhớ lại.
Với bà Nguyễn Tuyết Mai, vẫn không sao quên được: “Thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Những lúc ốm đau, thầy cô lo lắng hết lòng. Ban đêm thầy cô đi xuống từng tổ xem trò có học bài không, rồi buông lời ân cần nhắc nhở...”.
49 năm mới có một ngày, vì vậy mà những câu chuyện một thời, những lời hỏi thăm, chuyện sức khoẻ, gia đình... cứ dài ra không dứt.
Những kết nối nghĩa tình
Khoá 11, Trường Sư phạm Cà Mau năm 1974 có 5 thầy cô trực tiếp giảng dạy, trong đó có 4 thầy chi viện từ miền Bắc (1 thầy vừa làm Hiệu trưởng vừa dạy, là thầy Tô Ðình Quất). Lớp học có 46 giáo sinh, tuổi độ 17, 18, 20, được các địa phương trong tỉnh đưa đi học cấp tốc, thời gian 7 tháng, để về địa phương mở trường lớp, đưa ánh sáng văn hoá về các vùng mới được giải phóng. Tháng 1/1975, khoá học kết thúc, ai nấy trở về địa phương thực hiện công việc theo sự phân công.
5 thầy cô giáo khoá 11, năm 1974-1975, của Trường Sư phạm Cà Mau. Từ phải qua: thầy Dư Ðình An, thầy Tô Ðình Quất, thầy Nguyễn Trọng Thiều, cô Ðoàn Thị Ðiệp, thầy Lê Ngọc Các.
Cứ ngỡ là tạm chia tay, nhưng rồi nhiệm vụ được giao, rồi đất nước giải phóng, rồi bao nhiêu bề bộn trách nhiệm xã hội, cuộc sống gia đình... mà chưa một lần bạn bè, thầy trò hạnh ngộ. Ðể rồi đến tuổi xế chiều, khi mọi điều được thu xếp, lòng lại thôi thúc tìm nhau.
“Tôi bàn với anh Nguyễn Thành Ða tổ chức buổi họp mặt. Vậy rồi chúng tôi lấy giấy ra ghi tên theo trí nhớ được mười mấy, hai mươi bạn học. Ðùng cái dịch bùng phát phải dừng, sau đó mới tiếp tục. Tôi, anh Ða, bạn Hoa, Sơn, Mai... lần dò hỏi thăm từng thầy cô và tên từng bạn. Cứ được người này lại kết nối tìm kiếm người kia... Ðặc biệt, nhờ có Zalo hỗ trợ, chúng tôi điện thấy mặt nhau, rồi hỏi thăm sơ bộ tình hình, rồi chụp ảnh làm kỷ yếu... Vô cùng mừng là tìm lại được đầy đủ 5 thầy cô, cùng với 33 bạn học viên”, ông Trương Minh Thắng bày tỏ.
Một điều hết sức trân trọng nữa là, khi tìm hiểu được hoàn cảnh từng bạn học, nhóm ông Thắng đã bàn tính, chỉ kêu gọi những người có điều kiện đóng góp chi phí cho buổi họp mặt, những bạn bè khó khăn, bệnh tật được tha thiết mời đi dự, không chỉ miễn đóng góp, còn hỗ trợ chi phí tàu xe.
Trường Sư phạm Cà Mau ra đời từ năm 1962, tại Cây Thơ, Bù Mắt (huyện Năm Căn ngày nay). Quá trình hoạt động, vì điều kiện chiến tranh ác liệt, trường di dời nhiều nơi. Hai khoá cuối cùng là khoá 10 và khoá 11 dời về kênh Ông Ðơn. 12 năm ra đời và phát triển, trường đào tạo được gần 500 giáo sinh góp phần cho các địa phương phục vụ công tác giáo dục cho con em trong tỉnh thời kháng chiến. Riêng khoá 11 có 46 giáo sinh, cũng là lớp cuối cùng bên thềm giải phóng đất nước. Các thầy cô này sau khi ra trường đã tích cực dạy xoá mù chữ, phổ cập giáo dục những ngày đầu kiến thiết nước nhà. Nhiều người đã trưởng thành, làm hiệu trưởng, hiệu phó các trường trong tỉnh; trưởng, phó các phòng, ban huyện; giám đốc công ty Nhà nước... Ðặc biệt, có ông Nguyễn Thành Ða, sau này được công nhận Nhà giáo Ưu tú. Nhiều thầy cô được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. |
Với khoá 11, ngày 8/10/2023 vừa qua, trở thành một ngày đặc biệt sau 49 năm dài đằng đẵng bặt tin nhau. Thêm một điều hết sức mừng rỡ là cả 5 thầy cô xưa đều không quản đường xa, tuổi tác, quyết tâm tham dự buổi họp mặt thắm nghĩa, nặng tình này. Ðó là cô Ðoàn Thị Ðiệp ở huyện U Minh. Xa hơn là thầy Lê Ngọc Các ở Bạc Liêu; thầy Hiệu trưởng Tô Ðình Quất ở TP Cần Thơ; thầy Nguyễn Trọng Thiều ở Bình Dương. Ðặc biệt, vô cùng xúc động là thầy Dư Ðình An, mặc dù tuổi đã 80, nhưng vẫn kiên quyết ngồi xe đò từ Ninh Bình suốt 3 ngày đêm để vào tham dự.
Ðược mời dự họp mặt, với tư cách thế hệ sau và góc độ ngành, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau, rất xúc động trước không khí ấm áp, nghĩa tình này. Ngoài bày tỏ lòng tri ân thế hệ giáo viên thời kháng chiến đã đặt nền móng cho ngành giáo dục tỉnh nhà, về góc độ ngành, ông hứa sắp tới sẽ tạo điều kiện để tổ chức những buổi họp mặt thầy cô thời kháng chiến mang tầm ý nghĩa hơn, màu sắc hơn.
Huyền Anh