(CMO) Sáng 19/7, chỉ đạo nhiệm vụ ngành tư pháp trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu, kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn nhiệm vụ, linh hoạt điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành 255 văn bản quy phạm pháp luật (văn bản), các địa phương ban hành 1.501 văn bản cấp tỉnh, 1.306 văn bản cấp huyện, 478 văn bản cấp xã. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản. Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết HĐND và 2.218 dự thảo văn, các phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo văn bản. Qua đó, các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.058 văn bản.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Võ Thanh Tòng cùng đại diện các sở, ngành có liên quan tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại điểm cầu Cà Mau. |
Công tác thi hành án dân sự 9 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/6/2022), số vụ phải thi hành 731.917 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 541.575 việc; tổng tiền phải thi hành là hơn 332.900 tỷ đồng.
Công tác trợ giúp pháp lý có bước tiến khả quan. Đến nay, trong cả nước có 1.233 viên chức, người lao động (tăng 14 người so với cùng kỳ năm 2021). Trong 6 tháng, cả nước tiếp nhận, thực hiện 29.082 vụ việc trợ giúp pháp lý, tăng 3.368 vụ việc so với cùng kỳ năm trước. Về công tác hoà giải ở cơ sở, cả nước tiếp nhận hơn 60.135 vụ việc, tăng 2,9% so với cùng kỳ, trung bình tỷ lệ đạt trên 74,4%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác trợ giúp pháp lý trong 6 tháng đầu năm 2022 có bước phát triển vượt bậc. Cả nước đã tiếp nhận, trợ giúp pháp lý hơn 29.000 vụ việc. |
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ công tác tư pháp, nêu lên các khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lưu ý, 6 tháng cuối năm, ngành tư pháp cần cụ thể hoá những định hướng, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tư pháp. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nnhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường Nhà nước, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp....
“Tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn nhiệm vụ, linh hoạt điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kịp thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước”, ông Lê Thành Long nhấn mạnh./.
Kim Cương