Tranh: MINH TẤN
Đã qua 86 mùa xuân, nhưng sự kiện lá cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên xuất hiện tại Cà Mau vào rạng sáng 3/2/1930 vẫn còn mãi trong lòng người Cà Mau kiên cường. Lá cờ đỏ búa liềm cùng các khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đông Dương độc lập muôn năm” đã giành được tình cảm của đông đảo Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên Cà Mau bấy giờ.
Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, nhiều năm tham gia công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt người Cà Mau theo Đảng, có Đảng soi đường. Đó còn là ngày đánh dấu sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên của thị trấn Cà Mau, tháng 2/1930.
Ô-tô giờ đã len lỏi vào được trung tâm thị tứ vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc - chợ Rạch Tàu. Ảnh: THANH DŨNG |
Chi bộ lúc bấy giờ chỉ có bốn đồng chí. Từ lực lượng nòng cốt đó đã khơi nguồn các phong trào hành động cách mạng ở Cà Mau xuyên suốt các giai đoạn lịch sử sau này”.
Bước ngoặt của phong trào cách mạng
Lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện như báo hiệu sự khát khao của buổi bình minh trên vùng đất cực Nam Tổ quốc, đánh dấu bước trưởng thành nhảy vọt của phong trào cách mạng của Nhân dân Cà Mau, từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Đồng thời, sự kiện đã biểu hiện tấm lòng người Cà Mau với Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đến rất sớm nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết thêm: “Từ khi có Đảng, các phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân luôn mang lại hiệu quả và thu hút đông đảo giai cấp, tầng lớp Nhân dân tham gia, giác ngộ và giành thắng lợi. Đến giữa năm 1937, tại khu vực Cà Mau đã có thêm 10 chi bộ ở các xã: Thới Bình, Tân Phú, Thạnh Phú, Phong Lạc, Tân Ân, Tân Hưng, Tân Thành, Khánh Bình, Hoà Thành và Tân Hưng Tây”.
Đến tháng 10/1938, Cà Mau đã đủ điều kiện thành lập Quận uỷ với 15 chi bộ, 80 đảng viên. Ngày 3/2/1939, Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang cho phép Cà Mau thành lập Tỉnh uỷ lâm thời và triệu tập Đại hội Đảng bộ tỉnh tại thị trấn Cà Mau. Đại hội bầu đồng chí Trần Văn Đại làm Bí thư.
“Đó là sự kiện trọng đại sau tám năm Cà Mau hình thành chi bộ Đảng đầu tiên. Từ đây, các đảng bộ, quận uỷ, chi bộ được sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất, kịp thời của Tỉnh uỷ. Phong trào cách mạng của Nhân dân Cà Mau chuyển sang bước ngoặt mới”, ông Nguyễn Hữu Thành nhấn mạnh.
Hoà chung khí thế hừng hực của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 25/8/1945, Nhân dân Cà Mau đã vùng lên giành chính quyền và thành lập UBND tỉnh thay Uỷ ban Dân tộc Giải phóng.
Xuyên suốt dòng chảy lịch sử kể từ ngày Đảng ra đời đến các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp thắng lợi (năm 1954) và thống nhất đất nước (năm 1975), phong trào cách mạng tỉnh Cà Mau dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Cà Mau (Minh Hải) liên tiếp lập nên nhiều chiến công vang dội: khởi nghĩa Hòn Khoai, chiến thắng Bến Dựa, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là… đến đấu tranh mở rộng vùng giải phóng và giải phóng hoàn toàn.
Trong suốt thời gian hơn 45 năm hình thành, phát triển và chiến đấu, từ chi bộ đầu tiên ở Cà Mau đã phát triển lực lượng đảng viên đảm bảo có mặt trên các trận tuyến và công tác dân vận. Điều đó được minh chứng trước hết từ bốn đảng viên nòng cốt, sau tám năm hoạt động đã tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh vào năm 1939, nay là Đảng bộ tỉnh Cà Mau với hơn 41.000 đảng viên.
Nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng
“Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ có nhiều quyết sách mang tính bứt phá: thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng cho dân; quy hoạch, bố trí lại sản xuất các vùng phù hợp... Từ đó, tạo động lực lớn để quân và dân Cà Mau (Minh Hải) không ngừng ra sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Từng bước khắc phục hậu quả sau chiến tranh, vượt lên đói nghèo và dốt nát, đưa Cà Mau trở thành một trong bốn địa phương trọng điểm của khu vực ĐBSCL”, ông Nguyễn Hữu Thành nhận định.
Đảng ta xác định, phát triển đảng viên là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Đảng nói riêng, xây dựng Đảng nói chung, nhằm củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, tạo nguồn thừa kế cho các tổ chức cơ sở Đảng tại địa phương, đơn vị.
Từ chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, trải qua các thời kỳ cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Cà Mau luôn đặc biệt quan tâm công tác phát triển đảng viên. Hiện nay, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị trong lực lượng vũ trang, các ấp, khóm và nhiều doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã xây dựng được tổ chức Đảng và phát triển đảng viên… Số lượng đảng viên tăng bình quân trong giai đoạn 2010-2015 là 5,8%.
“Trình độ đảng viên luôn được quan tâm, chăm bồi. Đến nay, 76,64% đảng viên có trình độ trung học phổ thông; 19,85% trung học cơ sở; trình độ chuyên môn tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 0,76%; đại học 33,58%. Lý luận chính trị sơ cấp 17,82%, trung cấp 22,93%, cao cấp, 7,21%”, ông Lê Minh Ý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cho biết thêm.
Việc trẻ hoá độ tuổi cán bộ, đảng viên cũng được thực hiện khắp các chi bộ, đảng bộ nhằm tạo đội ngũ kế thừa, đảm bảo năng lực công tác. Tính trung bình từ 18-30 tuổi có 10.283 đảng viên; từ 31-40 tuổi có 13.531 đảng viên; còn lại là trên 40 tuổi. Tuổi đời bình quân đảng viên là 40 tuổi. Bên cạnh đó, đảng viên người dân tộc cũng được quan tâm chăm bồi, thể hiện tính lan toả, sâu rộng và điển hình trên các lĩnh vực. Theo thống kê, đến cuối năm 2015, Cà Mau có khoảng 19 dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sống đan xen nhau, có 561 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng, những năm qua, các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân được thực hiện nghiêm túc, chu đáo. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực có sự chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên được tăng cường, xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên đúng quy định. Qua đó đã tác động tích cực đến cán bộ, đảng viên trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nội bộ Đảng đoàn kết, thống nhất, niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với cấp uỷ, tổ chức Đảng được nâng lên.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo gắn việc thực hiện các chỉ thị của Trung ương với các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành, địa phương. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Việc học tập, làm theo Bác tiếp tục được gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
“Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với Nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”, ông Lê Minh Ý khẳng định.
Đồng thời, những năm gần đây, tỉnh thực hiện tốt chủ trương đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp. Qua công tác kiểm tra, rà soát cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hai ban thường vụ đảng uỷ cơ sở, 315 đảng viên. “Điều đó thể hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ gìn uy tín trong Đảng rất cao”, ông Ý cho biết thêm.
86 mùa xuân có Đảng, 40 năm chung tay xây dựng kiến thiết quê hương, 19 năm tái lập tỉnh, đến nay Cà Mau đã có mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.700 USD (35.700.000 đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bền vững. Từ 28% năm 1997 đến nay toàn tỉnh giảm còn 3,4% hộ nghèo. Tỉnh đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11% năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường, đối tác được mở rộng trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ một tỉnh vùng sâu, hạ tầng yếu kém, đến nay sau 40 năm kiến thiết, 19 năm tái lập tỉnh, Cà Mau đã có hệ thống giao thông đường bộ kết nối rộng khắp, toàn diện, liên thông từ các vùng quê và thành thị. Không còn cảnh heo hút, cô lập cục bộ giao thương.
Đặc biệt, trong giai đoạn đang đẩy mạnh, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, từ những thành quả thiết thực mang lại, đảng bộ, chính quyền các cấp nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía Nhân dân. Đến cuối năm 2015, tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 20,73% số xã trong tỉnh.
Từ truyền thống hào hùng 86 năm tiến bước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau thêm mùa xuân vui tươi trước những sự kiện trọng đại của đất nước. Trên đà phát triển, năm 2016, năm bản lề thực hiện các chỉ tiêu, chương trình hành động của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Cà Mau đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu là một trong những tỉnh trọng điểm của khu vực ĐBSCL và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá của cả nước./.
Phong Phú