(CMO) Những ngày này, về nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống sẽ thấy không khí bà con chuẩn bị cho lễ hội Sene Dolta truyền thống. Năm nay, Sene Dolta diễn ra vào các ngày 29, 30 tháng 8 và 1 tháng 9 âm lịch.
Đây là ngày lễ lớn, được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Sene Dolta hay còn gọi là lễ hội linh diễn ra trong thời gian khi bà con đã xong việc đồng áng, là dịp để anh em, dòng họ ở xa được gặp nhau, tỏ lòng thành kính đến ông bà, cha mẹ.
Trước khi ngày lễ diễn ra khoảng 1 tuần, bà con ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình bắt đầu chuẩn bị các lễ vật để đi chùa, cánh đàn ông thì làm heo. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để chế biến các món ăn cúng trong ngày lễ Sene Dolta.
Khi mặt trời chưa mọc, sau khi các vị sư hồi hướng xong, đồng bào phật tử đem lễ vật (cơm vắt, trái cây) đặt xung quanh ngôi chánh điện cúng các linh hồn chưa được siêu thoát. |
Bà con tổ chức cúng mâm cơm tại nhà cầu mong mọi sự an lành, thể hiện lòng thành kính đến ông bà tổ tiên, tưởng nhớ đến những người trong họ hàng đã mất. |
Tại chùa Khmer Rạch Giồng, trước khi lễ Sene Dolta diễn ra, nhiều đơn vị đã đến đây trao những phần quà, nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc. |
Nồi bánh tét thơm lừng, tạo không khí ấm áp. |
Tuỳ theo mỗi nhà sẽ ăn lễ lớn hoặc nhỏ (theo mùa màng), thịt heo được chia cho bà con trong xóm, mỗi người một ít, từ đây tình làng nghĩa xóm cũng bền chặt hơn. Ông Thạch Văn Sơn, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Thịt heo này dùng để kho, làm nhiều món lắm… cúng ông bà, đãi xóm giềng. Đời sống bà con ở đây ngày càng phát triển, ăn tết cũng thấy lớn hơn mọi năm”.
Gia đình ở đây có gì làm nấy, từ con gà, vịt, heo… chia nhau ăn tết, có nhà gói bánh; Ở xóm làng thì những ngày lễ đi thăm viếng nhau, đặc biệt 4-5 giờ sáng phải đi chùa cầu nguyện, cầu siêu cho những vong linh đã mất. Đến ngày cuối của lễ, sau khi dâng cơm cúng dường tại chùa, bà con sẽ trở về nhà tổ chức cúng trước khi tiễn linh hồn người quá cố ra đi.
Bà Thạch Son, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi chùa cầu nguyện, không chỉ những vong linh đã khuất, mình bưng mâm đồ cúng vô chùa nghe vị sư cả đọc kinh./.
Phạm Nhật