ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 02:05:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ấm lòng người trở về

Báo Cà Mau (CMO) Nhiều ngày qua, dòng người tự phát rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng dịch về quê Cà Mau khi nới lỏng giãn cách tập trung đông đúc tại chốt cửa ngõ Quản lộ Phụng Hiệp, và Trung tâm Thương mại Cửu Long nghỉ ngơi, chờ lực lượng chức năng sắp xếp đưa về các khu cách ly sàng lọc. Cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, quá tải của địa phương cũng như vất vả của bà con khi phải đùm túm con cái, đồ đạc vượt hành trình mấy trăm cây số bằng xe gắn máy, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã góp của, góp công hỗ trợ, lo liệu việc ăn uống cho bà con. Thậm chí cả việc cấp xăng miễn phí cho bà con trong chặng đường về các huyện. Tình nghĩa quê hương đã làm ấm áp lòng người.

Nồi cháo nghĩa tình của chị Linh

Nhiều lần ghé điểm tập kết người về tại Trung tâm Thương mại Cửu Long (trên đường Trần Hưng Ðạo, Phường 5, TP Cà Mau), tôi luôn thấy chiếc xe bán cháo lòng đậu phía trước. Chị chủ (tuổi độ ngoài 30) cứ liền tay múc cháo, khi thì cho mấy anh công an, quân sự đang làm nhiệm vụ, khi nhờ người bưng bê cả mâm vào bên trong phục vụ bà con. Nhìn trước xe có ghi “Bán mang về”, giá bán 15K, tôi thầm nghĩ, món cháo dễ ăn, nhất là cho người đang mệt, giá lại rẻ nên bán rất đắt. Sau đợt này chắc chị ấy cũng kiếm được kha khá đây. Tuy vậy, mấy hôm sau tìm hiểu mới biết, đó là những phần cháo lòng miễn phí. Và bà chủ xe cháo là chị Lưu Phượng Linh, nhà trên đường Bà Triệu, Phường 5, TP Cà Mau.

Nồi cháo nghĩa tình cứ vơi rồi lại đầy của chị Lưu Phượng Linh.

Chị Linh tâm sự: “Tôi cũng không khá giả gì, mấy bữa trước đậu xe cháo bán cho nhân công làm bệnh viện dã chiến chỗ Cửu Long Plaza, thấy bà con về đông quá, được tiếp tế bánh mì, xôi, cơm, nước…, tôi bán cháo nên nghĩ thôi thì góp món cháo. Mong được tiếp sức một chút với bà con”.

Vậy là xuyên suốt cả tuần nay, mỗi ngày, cứ 1-2 giờ sáng là chị vận chuyển cháo ra để kịp cho bà con dùng, vì giờ đó tới sáng bà con về đông đúc. Cứ hết nồi này tới nồi khác, phục vụ tới chiều tối. Chị bảo, trước đây mỗi ngày chỉ bán 1 nồi cháo, giờ tăng lên từ 5-7 nồi nên chị không hở tay. Mỗi đêm chỉ ngủ được chừng 3 tiếng. Nhờ có các bạn tình nguyện viên và các anh công an, quân sự phụ múc cháo, bưng bê tiếp nên chị đỡ được phần này.

"Thế ở nhà chắc có người phụ giúp?", tôi hỏi. Chị bảo: “Có ba má phụ tiếp. Ba má tôi tuổi đã ngoài 70 hết rồi, nhưng nghe tôi trình bày việc nấu cháo miễn phí phục vụ bà con và mấy anh công an, quân sự làm nhiệm vụ, ba má tôi ủng hộ ngay”.

Mỗi nồi cháo khoảng 130 tô, chị nhẩm tính, mỗi ngày chị phục vụ trên dưới 900 tô. Và chị cũng thanh minh: “Tôi chỉ bỏ tiền ra nấu 2 ngày đầu, khoảng gần 4 triệu đồng, mấy hôm nay, thầy Thích Nhuận Trí hỗ trợ hết phần nguyên liệu. Coi như mình chỉ bỏ công”.

Tôi bảo chị, dù bỏ của hay công sức gì cũng đều đáng trân trọng. Quý là ở tấm lòng, sự san sẻ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Mồ hôi còn chảy ròng ròng trên trán sau khi từ nhà vừa tất bật chạy tới, trong lớp khẩu trang, nhưng tôi vẫn cảm nhận nụ cười hạnh phúc hiện lên qua ánh mắt chị.

Những chai xăng yêu thương

Bên cửa đường vào điểm tập kết, mọi người đều bắt gặp rất nhiều chai nước lọc được rót đầy xăng để sẵn. Cạnh đó là mấy can lớn khi vơi, rồi lại đầy xăng. Phía trước có ghi chữ: “Cây xăng Vạn Lợi (đường Trần Hưng Ðạo, Phường 5, TP Cà Mau) tặng xăng miễn phí”.

Các bạn tình nguyện viên đang chiết xăng hỗ trợ bà con (do cây xăng Vạn Lợi tài trợ).

Xin được số điện thoại, hỏi thăm, chị Huỳnh Mai (con ông Huỳnh Ðồng Tâm, chủ cây xăng Vạn Lợi) cho biết: “Ba má tôi trước đây đều làm trong ngành công an (nay đã nghỉ hưu) nên thấu hiểu, cảm thông nỗi vất vả của anh em trong ngành. Mấy tháng qua, gia đình thường hỗ trợ xăng cho anh em làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Thấy bà con vượt đường xa về tới đây, rồi còn chặng đường đi về các huyện; mà đi theo đoàn có xe cảnh sát hộ tống thì đâu ghé dọc đường đổ xăng được, nên gia đình hỗ trợ xăng cho bà con. Ai xa thì đổ 2 chai, gần 1 chai”.

Hỏi chị gia đình đã hỗ trợ bà con bao nhiêu lít xăng, chị bảo, cứ hết thì mấy anh em công an xách can qua cây xăng đong về đổ cho bà con, gia đình không có tính.

Còn theo mấy anh công an, gia đình chị Mai đã hỗ trợ bà con tính ra cả ngàn lít xăng. Ðược biết, không chỉ hỗ trợ xăng cho bà con, lực lượng làm nhiệm vụ, gia đình chị Mai còn hỗ trợ cấp tốc cho bà con lúc mới về mấy ngàn ổ bánh mì chả lụa; thường xuyên hỗ trợ ăn, uống các lượng lực trực chốt và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các bếp phục vụ các khu cách ly, tổng trị giá bạc trăm triệu đồng.

Tuy vậy, xin được gặp thì ông Huỳnh Ðồng Tâm từ chối. Ông bảo, ngại lên mặt báo, vì việc mình làm chẳng đáng là bao so với nhiều người khác. Chỉ là thấy chuyện cần làm thì làm.

Tấm lòng thầy Nhuận Trí

Ngay sáng ngày đầu tiên, khi hay tin đoàn người về đông đúc, vốn thường xuyên làm từ thiện nên thầy Thích Nhuận Trí (Ban Hướng dẫn Phật tử, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau) nghĩ ngay trong đầu việc phải làm. Vậy là bấm điện thoại điện một vòng những “mối” quen, rồi điện qua Công an TP Cà Mau nhờ sắp xếp xe giúp. Chưa đầy 1 giờ sau, thầy đã có mặt tại chốt kiểm soát dịch trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, mang theo 30 thùng sữa, 1.000 ổ bánh mì, 50 kg chả lụa và gần 100 lốc nước lọc.

Tất bật vận động hỗ trợ và điều phối việc phục vụ ăn uống cho bà con về quê và lực lượng làm nhiệm vụ, thầy Thích Nhuận Trí dường như không còn thời gian để nghỉ ngơi.

“Một phần các nhà hảo tâm mang tới hỗ trợ, một phần mình mua thiếu. Khi đó, Hội Phụ nữ tỉnh cũng lên, vậy là cùng xúm vào mổ bánh để chả vào, rồi phân phát cho bà con”, thầy Trí kể.

Và từ hôm đó tới nay, ngày nào thầy cũng có mặt tại nơi tập kết (mấy hôm sau dời về Trung tâm Thương mại Cửu Long). Thầy lo cho lực lượng trực chốt tiếp nhận bà con trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, rồi  lực lượng làm nhiệm vụ tại Trung tâm Thương mại Cửu Long (cả thảy gần 100 người), bà con từng phần ăn, chai nước, sữa cho trẻ nhỏ, áo mưa…

Thầy vừa vận động hỗ trợ ăn uống cấp thiết cho bà con, vừa đứng ra tiếp nhận và điều phối. Những cuộc điện thoại thầy gọi đi, rồi thầy nhận được dường như cứ liên tục. Theo đó, hàng nhận được cũng ngày một nhiều lên. Nhìn sơ bộ con số từ ngày 1-8/10 thầy vận động cấp phát cho bà con về tỉnh, thật đáng nể: 12.000 ổ bánh mì,  570 kg chả lụa, hơn 4.000 áo mưa, hơn 600 thùng sữa… Ðồng thời, thầy còn liên kết với các bếp, hội nhóm vận động lương thực, thực phẩm hỗ trợ bếp làm các suất ăn, rồi làm đầu mối cấp phát gần 17.000 suất ăn (cơm, cháo, súp...) cho bà con và lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây.

Cứ tất bật đến, tất bật đi, điện thoại reo liên tục, đêm hôm mưa gió gì thầy cũng chẳng nề hà, khiến anh em trực chốt, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên tình nguyện nơi này đều hết sức cảm phục. Thầy bảo: “Mỗi đêm tôi ngủ chỉ chừng 2 tiếng”. Hỏi thầy nghĩ gì khi “dấn thân” như vậy? Thầy bảo: “Chẳng kịp nghĩ gì, công việc cứ tới tấp và mình cứ làm, cứ làm, chỉ mong chu toàn trong điều kiện có thể để giúp bà con...”./.

 

Huyền Anh

 

Ðền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều hoạt động được tổ chức trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Các hoạt động này không chỉ nhằm ôn lại lịch sử mà còn phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, vững bước trên con đường phát triển.

Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện được các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.

Lan toả nghĩa cử đẹp

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái của mỗi người đối với cộng đồng khi một phần máu tốt của mình có thể cứu sống người bệnh. Thời gian qua, phong trào HMTN trên địa bàn TP Cà Mau luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, mà còn nhận được sự tham gia của đông đảo người dân.

Ấm áp gian hàng 0 đồng của áo xanh tình nguyện

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, các đoàn viên, thanh niên đã và đang chung tay tạo nên những gian hàng 0 đồng hoạt động liên tục để trợ giúp cuộc sống của người lao động chân tay, người nghèo bớt nỗi nhọc nhằn.

Đoàn doanh nghiệp và đại diện Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi hỗ trợ Cà Mau hơn 2 tỷ đồng xây nhà cho người nghèo

Chiều 2/4, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức tiếp đoàn các doanh nghiệp và đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đến thăm, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh.

Cộng đồng chung tay chăm lo cho gia đình 2 người mất do tai nạn giao thông

Liên quan đến vụ việc chồng chở vợ đi khám thai bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong cả 2 trên tuyến Quốc lộ 1, những ngày qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thông qua vận động của xã hội đã giúp gia đình lo hậu sự, yên lòng người ra đi.

Chàng trai trẻ thích làm việc thiện

Với tâm niệm góp sức nhỏ xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, suốt 7 năm qua, chàng trai trẻ Võ Trọng Hữu, 29 tuổi, ở Ấp 7, xã Nguyễn Phích, tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ bà con nghèo, khó khăn, bệnh tật như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm; chia sẻ với các gia đình khó khăn không may có người thân qua đời; hỗ trợ địa phương xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn.