(CMO) Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng, ảnh hưởng gần như trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến tài sản, nhà cửa và cả tính mạng của người dân.
Đã có 3 thuyền viên mất tích trên biển, 3 người chết, 5 người bị thương, 8 tàu cá và 1 xà lan bị chìm, hơn 28 km lộ và 496,4 ha nuôi thuỷ sản bị ngập, tràn, 110 m bờ bao vuông tôm bị vỡ, thiệt hại và ảnh hưởng 2.386 ha lúa, rau màu, cây ăn trái, 140 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 2.903 m, 3 vị trí bờ biển bị sạt lở với chiều dài 1.900 m, 835 căn nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng… Ðó là những con số thiệt hại mà ai nghe qua cũng thấy chạnh lòng.
Thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân là một trong những địa phương ven biển đang phải chịu tác động trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, sạt lở… mỗi khi vào mùa mưa bão. Dù đã chủ động ngay đầu năm từ các kế hoạch phòng, chống thiên tai, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; kế hoạch bố trí di dời dân cho đến công tác tuyên truyền, triển khai các phương án nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, tuy nhiên, vẫn có hàng ngàn mét lộ giao thông, hàng trăm căn nhà và nhiều héc-ta rau màu, vuông tôm của người dân bị ngập.
Lực lượng Biên phòng tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai đến từng phương tiện tại thị trấn Cái Ðôi Vàm. |
Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, thông tin, từ các hoạt động tuyên truyền nên người dân có sự chủ động, nhờ đó mà mức độ thiệt hại về tài sản là không lớn.
"Giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai của địa phương là lấy “phòng ngừa là chính”. Trong đó, lấy người dân là trọng tâm, tất cả các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết, giảm thiểu thiệt hại về tài sản", ông Yên cho biết thêm.
Thiên tai, thời tiết cực đoan diễn biến ngày một phức tạp, khó lường, đặt ra cho chính quyền địa phương và người dân những thách thức và yêu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai. Ðặc biệt là giải pháp ứng phó phải phù hợp với từng loại hình thiên tai cho từng nhóm người dân và từng khu vực.
Ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết, dông lốc, sạt lở ven biển, ven sông… từ đầu năm đến nay đã gây ra thiệt hại khá lớn về tài sản của người dân. Ðể chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, huyện đã xây dựng các phương án, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, các ngành, nhất là người dân những kiến thức trong phòng, chống thiên tai.
Ðể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh đã tiến hành xây dựng dự thảo quyết định về việc phân bổ hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; xây dựng kế hoạch tiếp nhận, cấp phát hàng dự trữ quốc gia năm 2021; tổng hợp ý kiến các sở, ngành, địa phương đối với Dự thảo Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt mùa khô 2021-2022; thực hiện các bước tiếp theo để xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai 5 năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, xây dựng bản đồ phòng, chống thiên tai cho các huyện, thành phố… Ðặc biệt, tổ chức trực ban theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí tượng thuỷ văn cũng như thông tin về thiên tai, thiệt hại trên địa bàn tỉnh, truyền tải thông tin kịp thời đến các ngành, các cấp phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.
Liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6404/UBND-NNTN về tăng cường các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời; chuẩn bị, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai. Ðài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời thông báo đến sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và cơ quan truyền thông nắm, để phổ biến rộng rãi đến người dân, chủ động triển khai kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả, sát với tình hình thực tế...
Ðặc biệt, các cơ quan đơn vị liên quan có kế hoạch, phương án phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự và giúp dân khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào cửa biển; kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các trường hợp tàu cá không đảm bảo thiết bị an toàn…
Nguyễn Phú