(CMO) Ðó là quan điểm của Hoà thượng Thạch Hà, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế - Tài chính Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau trước lễ Sene Dolta năm nay.
Ðể thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, lễ Sene Dolta năm nay bà con đồng bào Khmer chỉ cử đại diện gia đình mang cơm đến chùa. Ảnh: DANH ÐIỆP |
- Thưa Hoà thượng, xin Hoà thượng cho biết đôi nét về ý nghĩa của lễ Sene Dolta trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer?
Hoà thượng Thạch Hà: Nếu như trong đời sống tâm linh của người Kinh, người Hoa có lễ Vu lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là mùa báo hiếu, thể hiện nét đẹp về lòng tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành, thì trong đời sống tâm linh của người Khmer có lễ Sene Dolta là lễ cúng ông bà, tổ tiên, mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống. Lễ Sene Dolta diễn ra trong 3 ngày, từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch. Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam Bộ, hàng năm, cứ vào dịp này, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sene Dolta nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ Sene Dolta cũng thể hiện rõ nét đẹp truyền thống của đời sống văn hoá tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Lễ Sene Dolta mang giá trị triết lý nhân sinh rất lớn trong việc hình thành nhân cách của người Khmer qua nhiều thế hệ, tiêu biểu nhất là lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, gắn con người với gia đình và nguồn cội. Qua lễ hội, chúng ta dễ dàng nhận ra sự gắn kết cộng đồng người Khmer với ngôi chùa như một phần không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Ðây là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Khmer. Ðối với họ, chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin tuyệt đối, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, tạo niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
- Lễ Sene Dolta được đồng bào dân tộc Khmer bảo tồn và phát huy ra sao trong giai đoạn hiện nay, thưa Hoà thượng?
Hoà thượng Thạch Hà: Ngày nay, lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer vẫn giữ được nét đặc sắc phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật và các mối quan hệ cộng đồng của người Khmer. Mặc dù có nhiều biến đổi nhưng các giá trị của lễ hội tác động nhiều đến đời sống tinh thần và vật chất của người Khmer. Ngoài bảo tồn bản sắc dân tộc, lễ Sene Dolta còn góp phần phát huy những yếu tố tích cực, giúp các mối quan hệ trong cộng đồng ngày càng gắn chặt, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội ở khu dân cư.
Kết nối cộng đồng còn là một giá trị quan trọng của lễ Sene Dolta, ngày nay vẫn được người Khmer bảo tồn và phát huy. Dịp lễ mọi người tranh thủ về quê để đến chùa cúng ông bà, tổ tiên và họp mặt gia đình. Chính nhờ vào những lễ hội truyền thống, trong đó có lễ Sene Dolta là cơ hội kết nối họ với văn hoá truyền thống của tộc người, tránh đi sự xao lãng, phai nhạt bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Sene Dolta của người Khmer là một nét văn hoá Phật giáo mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nên cần được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hợp lý.
- Thưa Hoà thượng, lễ Sene Dolta năm nay được tổ chức như thế nào để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19?
Hoà thượng Thạch Hà: Mùa Sene Dolta cũng là dịp các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đi thăm hỏi đồng bào và chư tăng ở các ngôi chùa trên địa bàn. Vì vậy, Sene Dolta không chỉ là dịp báo hiếu, đáp nghĩa mà còn là ngày hội tràn đầy niềm vui, tình đoàn kết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất lẫn tinh thần. Với vai trò là Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, tôi kêu gọi tăng ni, phật tử tuân thủ theo sự hướng dẫn của Trung ương, của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong việc tổ chức lễ phải đồng thời thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch.
Các chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer trong tỉnh thực hiện nghi lễ ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, tuân thủ nghiêm quy định 5K. Tạm dừng các nghi lễ tập trung đông người. Chỉ nên chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà là trọn vẹn ý nghĩa lễ Sene Dolta. Chúc đồng bào Khmer đón mừng lễ Sene Dolta năm 2021 với tinh thần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, tiết kiệm và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ðón lễ trên tinh thần gọn nhẹ, an toàn sức khoẻ là trên hết.
- Xin cảm ơn Hoà thượng!
Quỳnh Anh thực hiện