(CMO) Hiện đã có 35 nhà máy chế biến thuỷ sản (chủ yếu tôm) xuất khẩu đăng ký, họ tự mua dụng cụ để test kiểm tra Covid-19 (người test đã được ngành y tế tập huấn). Cùng với đó, CDC Cà Mau cũng đã thành lập 5 đội, sẵn sàng đi hỗ trợ các nhà máy lớn thực hiện công việc này - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thông tin về việc tỉnh đang khẩn trương thực hiện Phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Giám đốc CDC Cà Mau, ông Đặng Hải Đăng cho biết, 35 cơ sở lớn chế biến tôm xuất khẩu đăng ký lấy mẫu test nhanh khoảng 8.000 công nhân, đến nay chỉ mới lấy được trên 1.600 mẫu, khả năng đến hết ngày 2/8 mới hoàn thành hết số lượng này.
Để chậm một ngày áp dụng phương án sản xuất linh hoạt (phương án sản xuất và test Covid-19) trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là thêm thời gian nguy cơ rất cao lây lan vào cơ sở sản xuất, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chủ lực của địa phương, nhất là đời sống của người dân nuôi tôm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu tạm ngưng sản xuất đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu chưa hoàn thành phương án sản xuất khép kín, kể từ ngày 3/8. |
Rút kinh nghiệm từ các địa phương đang bùng phát dịch, Cà Mau tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung phương án sản xuất từ sự hướng dẫn của Sở Công thương (nội quy, quy chế hoạt động từng tổ, đội, nhóm trong sản xuất). Việc làm này phải hoàn thành vào lúc 8 giờ ngày 2/8, qua thẩm định của chính quyền; từ đó áp dụng bắt buộc, đưa vào vận hành kể từ ngày 3/8.
Trong thời gian chưa áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, các công nhân sản xuất được phép di chuyển trên đường trong thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên yêu cầu phải có giấy xác nhận cụ thể của chủ doanh nghiệp. |
"Đến thời gian trên (ngày 3/8), doanh nghiệp nào (doanh nghiệp lớn chế biến tôm, công nghiệp) chưa hoàn thành phương án để được phê duyệt thì buộc tạm ngưng sản xuất, khi nào đủ điều kiện mới cho hoạt động", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo kiên quyết.
Phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” là nhằm tiến tới quản lý "cách ly tập trung" trong sản xuất, giữ vững sản xuất ngành hàng chủ lực của địa phương, nhằm khôi phục, cũng như tạo nguồn lực cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” là nhằm tiến tới quản lý "cách ly tập trung" trong sản xuất. |
Hiện, tuỳ theo điều kiện mà các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Đối với các nhà máy chế biến không đủ không gian để sản xuất “3 tại chỗ”, nghĩa là ăn, ngủ, sản xuất tại chỗ, doanh nghiệp tiến hành thuê các khách sạn để bố trí chỗ ăn, nghỉ cho công nhân và đưa, rước từ nơi ở đến nơi sản xuất khép kín./.
Trần Nguyên