ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-7-25 17:31:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bạc Liêu tự hào với chiến thắng 30/4/1975 lịch sử

Báo Cà Mau

Những ngày cuối tháng 4/1975, bằng sự nhạy bén và bản lĩnh, Tỉnh ủy đã phát huy cao độ sức mạnh chính trị, sức mạnh công tác binh vận, nhân sĩ trí vận..., buộc cơ quan đầu não của ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện, bàn giao sớm chính quyền cho cách mạng. Nhân dân TX. Bạc Liêu - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu chào đón thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong sự hân hoan vô bờ.

Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu trực tiếp gặp Tỉnh trưởng Bạc Liêu - Nguyễn Ngọc Điệp tại Tòa hành chánh vào sáng  30/4/1975. Từ trái sang phải: đồng chí Lê Quân, đồng chí Trần Thanh Hồng và Thượng tọa Thích Hiển Giác.

“Vào hang thuần hóa cọp”

Cách nay 50 năm, đồng chí Hồ Văn Kiêm - Ủy viên Thường vụ, Thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) tỉnh Bạc Liêu, đồng thời là Phó ban Tôn giáo tỉnh cùng Thượng tọa Thích Hiển Giác (bí mật hoạt động cách mạng với chức danh là ủy viên Ủy ban MTDTGP tỉnh Bạc Liêu, về mặt công khai ông là Phó Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh) trực tiếp gặp Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy - Nguyễn Ngọc Điệp tại dinh Tỉnh trưởng. Qua nhiều giờ tiếp xúc, khi tinh thần của Tỉnh trưởng Điệp đã hoang mang cao độ, Thượng tọa Thích Hiển Giác nhấn mạnh: “Chúng tôi nghe anh em binh sĩ đến chùa thỏ thẻ với nhau là họ có được giấy chứng nhận (truyền đơn - thông hành) của MTDTGP rất nhiều”. Điệp nói: “Đến bây giờ tôi không còn giữ anh em binh lính nữa, họ muốn theo bên nào thì theo, nhưng tôi vẫn quyết tử thủ”. Cuối cùng hai bên thỏa thuận ngày hôm sau (30/4) sẽ gặp lại.

Sau buổi gặp Điệp và trở về chùa Vĩnh Đức, đồng chí Lê Quân (đặc phái viên Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, đại diện MTDTGP - người trực tiếp chỉ huy giải phóng thị xã tỉnh lỵ Bạc Liêu) cùng đồng chí Hồ Văn Kiêm và Thượng tọa Thích Hiển Giác phân tích, đánh giá sâu về tình hình. Các đồng chí nhận định Đại tá - Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp tuy còn nói cứng nhưng thật ra tư tưởng đã bị dao động mạnh. Do đó kể từ giờ phút này, ta phải huy động mọi lực lượng tập trung dồn sức tấn công Điệp và bọn đầu não tỉnh.

Ngay trong chiều và đêm 29/4, đồng chí Hồ Văn Kiêm và Thượng tọa Thích Hiển Giác khẩn trương gặp và bố trí các cơ sở (cả nòng cốt và cảm tình cách mạng) thúc giục họ bằng mọi hình thức, biện pháp tấn công chính trị; tất cả gia đình và bản thân binh lính, sĩ quan, nhân viên công chức, lãnh tụ tôn giáo, thân hào nhân sĩ, trí thức... Đặc biệt, tranh thủ và thúc giục cho được linh mục Nguyễn Văn Nhì, Châu Ba (Chủ tịch Hội đồng tỉnh ngụy), Thiếu tá Oanh (Trưởng ty cảnh sát ngụy)... những người có quan hệ và sức tác động tới Đại tá Điệp, hướng họ đi thẳng vào Tòa hành chánh hoặc tư dinh, tác động Điệp với cùng nội dung: nên dàn xếp hòa bình là thượng sách.

Sáng hôm sau, khi tình hình đã thay đổi theo hướng tích cực đối với ta, còn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn xem như thất thủ, đồng chí Lê Quân - đại diện Ủy ban MTDTGP tỉnh Bạc Liêu cùng đồng chí Hồ Văn Kiêm và Thượng tọa Thích Hiển Giác đi vào tiểu khu Bạc Liêu. Đoàn cán bộ ta vừa đến cửa rào thì thấy Điệp tự lái xe Jeep ra đón. Điệp mời cả ba người trong đoàn lên xe về tư dinh (sau đó đổi hướng sang bàn bạc ở Tòa hành chánh).

Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu sáng 30/4/1975.

Lực lượng vũ trang chiếm dinh Tỉnh trưởng. Ảnh: Tư liệu

Sức mạnh binh vận làm nên chiến thắng lịch sử

Khi đã yên vị ở Tòa hành chánh, đồng chí Hồ Văn Kiêm xin phép được chụp hình và thu băng cuộc đàm phán. Sau phần thủ tục, Điệp vào ngay vấn đề: “Theo Hiệp định Paris ngừng bắn tại chỗ, lập chính phủ ba thành phần, nhưng quân đội của MTDTGP cứ đánh tới, các ông đòi ông Thiệu ra đi sẽ có đàm phán, Tổng thống Thiệu đi rồi, các ông vẫn đánh tới, thế là các ông vi phạm Hiệp định Paris”. Cắt ngang ý kiến Điệp, đồng chí Lê Quân chứng minh một loạt vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris của chính quyền và quân đội Sài Gòn, ông nói tiếp: “Chúng ta ngồi nói ai vi phạm Hiệp định Paris thì muộn quá rồi và chẳng ai phân xử, Đại tá hãy bình tâm nghe tôi nói”. Đồng chí Lê Quân lấy tấm bản đồ trải lên bàn, chỉ cho Điệp tình hình chiến sự, từng mũi tiến công của quân giải phóng và các mũi đánh vào Sài Gòn gồm nhiều xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay... quân của chánh quyền Sài Gòn đã bị tiêu hao, tiêu diệt và tan rã chỉ còn vỏn vẹn 5 - 7 sư đoàn phòng thủ Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ, các tướng lĩnh bỏ trốn gần hết. Tướng Cao Văn Viên vừa ký lệnh tử thủ chưa ráo mực cũng đã trốn mất, tướng Đôn - Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Quang - Tư lệnh biệt khu thủ đô trốn mấy ngày nay, tướng Nghi và Sang bị quân giải phóng bắt sống tại Phan Rang. Ba sư đoàn 7, 9 và 21 đã bị quân giải phóng ghìm chặt ở các chiến trường Nam Bộ, thế thì chính quyền, quân đội Sài Gòn đến ngày thất bại hoàn toàn rồi. Nhiều sĩ quan cao cấp đã ly khai quân đội Sài Gòn và được cách mạng trọng dụng. Nguyễn Thành Trung vừa mới ném bom Dinh Độc Lập và trở về với Nhân dân.

Tiếp đó, đồng chí Lê Quân tăng cường phân tích chứng cứ cho thấy đồng minh Mỹ của Việt Nam Cộng hòa đã dùng chính sách “đem con bỏ chợ”, Điệp không còn có thể hy vọng ở Mỹ nữa. Đồng chí Hồ Văn Kiêm và Thượng tọa Thích Hiển Giác cũng thay nhau khuyên Điệp đầu hàng. Điệp phân vân: “Sài Gòn chưa đầu hàng, chưa giao chính quyền cho MTDTGP thì tôi ở đây làm sao dám giao chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho các ông?”. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ đối thoại và tấn công chính trị Đại tá - Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp cuối cùng bằng lòng giao chính quyền cho cách mạng, khẩn thiết yêu cầu được tự do và được hưởng chính sách khoan hồng của MTDTGP.

Khi ấy là 10 giờ 30 phút giờ Sài Gòn - tức 9 giờ 30 phút giờ Hà Nội ngày 30/4/1975. Lá cờ của MTDTGP miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng. Tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng trong an toàn, không đổ máu, trước Sài Gòn 1 giờ đồng hồ và là một trong những tỉnh ở Tây Nam Bộ giải phóng trước nhất. Đồng bào nô nức kéo nhau xuống đường hò reo, toàn tỉnh tràn ngập niềm vui chiến thắng, người dân được đổi đời, gia đình đoàn tụ.

Giải phóng TX. Bạc Liêu ngày 30/4/1975 bằng chính trị, binh vận, sớm hơn giải phóng Sài Gòn và không đổ máu... là sự kiện có một không hai đối với toàn miền Nam khi chúng ta tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với chiến thắng này, một lần nữa Bạc Liêu giành chính quyền từ tay giặc mà không đổ máu. Lần thứ nhất ta giành chính quyền vào ngày 23/8/1945, trùng ngày giải phóng Huế. Lần thứ hai (30 năm sau), ta giành chính quyền ngày 30/4/1975, trùng ngày giải phóng Sài Gòn.

Trong lúc nhiều nơi sử dụng sức mạnh vũ trang để giành chiến thắng, thì việc Bạc Liêu sử dụng chính trị và binh vận để buộc kẻ thù đầu hàng vô điều kiện, không tốn xương máu, đã làm phong phú thêm và chứng minh sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, nói lên sự vận dụng và chỉ đạo sáng tạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ. Là người Bạc Liêu, thế hệ hôm qua, hôm nay và cả mai sau vẫn không thôi tự hào về chiến công đặc biệt đó.

Thanh Hải

Ðồng vốn thắm nghĩa tình đồng đội

Trong chiến tranh, những người lính năm xưa đã đoàn kết, kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hoà bình lập lại, những người lính ấy tương trợ, giúp đỡ nhau bằng nhiều phong trào, hoạt động nghĩa tình. Trong đó, mô hình “Cựu chiến binh (CCB) góp vốn giúp nhau” hay Quỹ Ðồng đội của Chi hội CCB ấp Nguyễn Huế (xã Biển Bạch) là hoạt động đầy ắp nghĩa tình.

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025)

Thực hiện Thông báo số 18-TB/TU ngày 11/7/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025).

Những giá trị lịch sử mãi trường tồn

Đảng và Nhà nước ta đang triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Với dã tâm chống phá Việt Nam, trên nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch đang tăng cường lan truyền các bài viết, thông tin xuyên tạc sự kiện lịch sử này với nhiều chiêu thức tinh vi.

Đổi mới kiểm tra, giám sát đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng

“Sự chuyển động quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, vận hành chính quyền địa phương hai cấp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác kiểm tra, giám sát. Việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức kiểm tra, giám sát là đòi hỏi tất yếu, cấp bách trong giai đoạn cách mạng hiện nay”, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát năm 2025, sáng 14/7.

Ý Đảng - lòng dân hoà quyện

Ít ai biết, trước đây, huyện Phú Tân (cũ) cũng có xã Nguyễn Việt Khái. Thế nhưng địa điểm Khu Di tích Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái lại thuộc địa bàn xã Tân Hưng Tây (cũ). Sau sáp nhập, xã Nguyễn Việt Khái mới gồm các xã Rạch Chèo, Tân Hưng Tây, Việt Thắng đã cùng mang tên người anh hùng của quê hương với niềm vinh dự, sự tự hào trọn vẹn.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ giữ chức Bí thư Đảng uỷ Quân sự tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2025-2030

Chiều 11/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Đảng bộ Quân sự tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải; Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Quốc Việt.

Phiên họp đầu tiên về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sau hợp nhất

Chiều 11/7, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Cà Mau sau khi hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Dự họp có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tăng cường hiệu quả hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới

Chiều 10/7, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)  tỉnh Cà Mau (mới) khoá XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ Nhất sau hợp nhất LĐLĐ hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 ngành Nội chính Đảng và quán triệt, triển khai thực hiện kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, vào sáng 10/7.

Tiếp xúc cử tri trực tuyến toàn tỉnh: Cánh cửa gần dân sau kỳ họp Quốc hội

Sáng 8/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến đến 11 xã, phường để ra mắt và tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, thông tin những nội dung quan trọng, mang tính lịch sử được thông qua tại kỳ họp, đồng thời lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.