(CMO) Người ta thường kháo nhau, về Cà Mau chơi mà chưa ăn bánh tằm cà ri cay là “thiếu sót lớn”.
Cái danh bánh tằm cay Cà Mau giờ đã bay xa, làm nên nét văn hoá ẩm thực riêng biệt. Nhiều kênh video mạng xã hội, các tờ báo chính thống, các đài truyền hình… đã kỳ công thực hiện những bài viết, clip, phóng sự liên quan đến món ăn mà chỉ vừa nghe nhắc đã thèm này. Duy có điều, hầu hết các sản phẩm truyền thông chỉ nói bánh tằm cà ri cay ngon ra sao, các công đoạn chế biến như thế nào, hay ăn ở đâu mới ngon mà chưa chỉ ra hồn cốt món ăn, đó là sự sáng tạo, là cốt cách của người Cà Mau, là cái tình, cái tâm mà để càng lâu, càng thấm thía.
Bánh tằm có nhiều biến thể, quen nhất với người dân ĐBSCL là bánh tằm ngọt, một món ăn chơi phổ biến vùng sông nước. Ngày xưa, người ta ngâm gạo (thường là qua đêm), sau đó xay nhuyễn bằng cối đá, trộn với bột năng, trộn đều rồi sau đó dùng hai bàn tay xe sợi bột dài ra theo kích cỡ tuỳ thích. Những sợi bột dài sau đó được đem hấp cách thuỷ và trở thành những cọng bánh tằm. Thường, người ta làm muối mè, rắc thêm chút dừa khô nạo hoặc kỳ công hơn là thắng nước cốt dừa với đường, muối để ăn cùng bánh tằm.
Bánh tằm cà ri gà cay Nam Kinh 3 đời gia truyền, dù chỉ là quán nhỏ nhưng chất lượng rất nên thử một lần cho biết… |
Ẩm thực Cà Mau là sự pha trộn độc đáo nhiều luồng văn hoá, nhưng trên hết là thể hiện sự khai phóng, cởi mở và táo bạo. Bánh tằm cay là minh chứng thuyết phục nhất cho điều này. Với những người không “hảo ngọt” hoặc thích sự mới lạ, cảm giác mới mẻ, mãnh liệt, bánh tằm ngọt dường như chưa thoả mãn. Ăn hoài cũng ngán nên người ta nghĩ ra việc chế biến bánh tằm thành món mặn. Bánh tằm cay hình thành từ một loại bánh ngọt ăn chơi ở vùng sông nước đồng bằng và loại cà ri Chà Và, một đặc sản của Ấn Độ. Nói về cà ri Chà Và, không thể không nói đến những người Khmer đã mang cảm hứng ẩm thực này đi khắp vùng đất mới. Đến với Cà Mau, cà ri Chà Và kết hợp với bánh tằm trở thành món ăn mang đậm sự tinh tế, hài hoà và táo bạo.
Bột cà ri hình thành từ nhiều hương liệu như đại hồi, đinh hương, quế chi, hạt mùi khô, bột nghệ, ớt khô rang thơm nghiền thành bột, dùng hỗn hợp này nấu với gà vườn sẽ cho ra một loại cà ri thơm nức, vị bùng nổ và càng ăn càng ghiền. Khi ăn người ta cho sợi bánh tằm hấp nóng ra dĩa, bên dưới kèm ít rau thơm, giá đỗ, trên rưới một lớp nước sốt cà ri nóng hổi, cay nồng. Kèm theo đó là miếng thịt gà thấm vị, miếng xíu mại vừa thơm đậm, vừa béo, chấm kèm với muối ớt chanh thì ngon… quên trời đất. Hương vị của bánh tằm dân dã, mộc mạc, vị cay nồng của cà ri với những hương liệu mạnh mẽ dâng lên trong vị giác, khứu giác, thịt gà dai ngon, xíu mại béo ngậy, thêm chút chua chua từ nước chấm, tất cả làm thành một thứ cảm giác thật sự kích thích. Ăn một miếng rồi muốn ăn tiếp, ăn một lần rồi muốn ăn mãi. Món bánh tằm cà ri cay vừa lạ mà vừa quen, dân dã mà cũng rất sang trọng.
Nhớ có lần, dẫn mấy ông bạn Hà Nội vô ăn bánh tằm cay Đạo (Phường 4, TP Cà Mau), ông nào cũng khen tấm tắc. Có ông còn nói, có dịp đến Cà Mau nhất định ăn bánh tằm cay cho đã. Cà Mau giờ bán bánh tằm cay nhiều, mỗi nơi một hương vị, và tôi cho rằng, không nên giới thiệu nơi nào là ngon nhất. Bởi tuỳ theo khẩu vị, bí quyết gia giảm, cả việc lựa chọn nguyên liệu, mỗi nơi đều làm cho bánh tằm cà ri cay phong phú, đậm đà.
Anh Sơn Vĩnh Phúc, đời thứ 3 bán bánh tằm cà ri cay, là cháu nội của ông Hai Nam Kinh từng bán bánh tằm cà ri gà cay ngon có tiếng dưới dốc Cầu Quay cũ cho biết: “Nhà tôi 3 đời bán bánh tằm cà ri gà cay, món này xuất phát từ nội tôi, một người Khmer gốc Trà Vinh. Những người tuổi từ trung niên trở lên, sinh sống ở Cà Mau hỏi quán Nam Kinh đều biết đến”. Món bánh tằm cà ri cay gia truyền tiếp nối từ đời ông nội, ba má và giờ là anh Phúc tiếp tục bán. Quán giờ nằm ở đường Tôn Thất Tùng cắt ngang đường Ngô Gia Tự, Phường 5, TP Cà Mau. Anh Phúc thổ lộ: “Mỗi nơi bán có một hương vị riêng, cái chính là tuỳ cảm nhận, khẩu vị của người ăn. Làm bánh tằm cà ri cay muốn ngon phải có tâm, yêu nghề và có những bí quyết gia truyền”.
Buổi sáng mưa lất phất, ăn một dĩa bánh tằm cà ri gà, xíu mại cay cay mà ngẫm nghĩ về nét ẩm thực quê hương. Cà Mau mình còn rất nhiều món ngon, ẩn trong cái bình thường, dung dị và quen thuộc ấy là biết bao giá trị tinh thần. Bánh tằm cay đâu đơn thuần là món ngon, nó còn là sự kết tinh đầy sáng tạo, táo bạo và đặc sắc của ẩm thực Cà Mau. Nhắn ai có về xứ Mũi nhớ ăn bánh tằm để một lần trong đời thổn thức…
Phạm Hải Nguyên