Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ở Việt Nam có 5 đài phát thanh, thực dân Pháp gọi là “cái lưỡi của kháng chiến”, chúng tập trung bộ binh, không quân và sử dụng kỹ thuật vô tuyến để đánh phá và quấy rối.
Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ở Việt Nam có 5 đài phát thanh, thực dân Pháp gọi là “cái lưỡi của kháng chiến”, chúng tập trung bộ binh, không quân và sử dụng kỹ thuật vô tuyến để đánh phá và quấy rối. Tuy nhiên, do khẳng định vai trò, vị trí, tính năng, tác dụng của loại hình độc đáo này, cán bộ, chiến sĩ ta đã bảo vệ an toàn các đài phát sóng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ đến các tầng lớp Nhân dân, góp phần không nhỏ vào công cuộc trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi quyết định. Đài Tiếng nói Nam Bộ là 1 trong 5 đài phát thanh ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng khi ấy. Có thời gian đài đóng tại các huyện Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Bài Tự hào Đài Tiếng nói Nam Bộ, trên trang 3.
Tối Chủ nhật (30/8), đêm chung kết xếp hạng Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau năm 2015 đã thu hút sự theo dõi của rất đông khán giả. Chương trình thật sự là “bữa tiệc” âm nhạc đúng nghĩa. Bởi các thí sinh đã ca diễn một cách chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết, tạo nên những tiết mục ấn tượng. Những tràng pháo tay của khán giả sau mỗi bài hát cứ kéo dài như muốn nổ tung cả khán phòng. Có thể nói đây là chương trình thành công từ trước tới nay. Ghi nhận trong bài Tiếng hát Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cà Mau – Nơi chắp cánh những ước mơ, trên trang 7.
“Anh hùng của biển” là kịch bản phim truyền hình của tác giả Tiết Văn Dũng (Cà Mau) được Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải năm 2015. Đây là tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975. Kịch bản phim truyền hình “Anh hùng của biển” phản ảnh trung thực về cuộc đời hơn 40 năm hoạt động cách mạng của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa trong các thời kỳ từ tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Kịch bản phim “Anh hùng của biển” gồm 48 tập, Thời lượng mỗi tập phim 45 phút. Thông tin chi tiết trên trang 9.
Từ trung tâm Hà Nội, theo đường bộ hơn 10 km qua cầu Chương Dương, theo con đê Long Biên - Xuân Quan, du khách sẽ đến được ngôi làng cổ nằm bên tả ngạn sông Hồng chuyên nghề gốm thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Hiện làng gốm Bát Tràng có hơn 50 công ty và gần 700 hộ gia đình đều tham gia sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Làng nghề với những nét văn hoá đặc trưng, thu hút một lượng khách du lịch đến tham quan khá lớn, nhất là từ khoảng tháng 9-12 hằng năm. Gốm Bát Tràng nổi tiếng bền đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Những hình ảnh ghi nhận sự độc đáo của làng gốm Bát Tràng được đăng tải trên trang 12.
Ngoài ra, Báo Cà Mau Cuối tuần số ra hôm nay còn nhiều tin, bài ấn tượng khác, mời quý vị và các bạn tìm đọc!./.