Năm 2024 là năm thứ 7 Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam được tổ chức. Giải năm nay nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Ban giám khảo đã lựa chọn 81 tác phẩm vào chung khảo; từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm: 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải. Sáng nay, 16/11, lễ trao giải được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV2.
- Báo Cà Mau tiếp tục có tác phẩm đoạt Giải Búa liềm vàng năm 2023
- Báo Cà Mau trong tốp 10 báo Đảng địa phương về lượng người theo dõi Fanpage và Youtube
- Báo Cà Mau đạt giải Ba Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ 2
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
Tham gia Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 với loạt bài 3 kỳ “Những cuộc tái sinh kỳ diệu” được thể hiện bằng hình thức Megastory, nhóm tác giả Phạm Quốc Rin (Hải Nguyên), Phạm Băng Thanh (Băng Thanh) và Trần Lê Tuấn (Lê Tuấn) của Báo Cà Mau đoạt giải Khuyến khích. Đây là lần thứ hai, Báo Cà Mau có tác phẩm đoạt giải này (năm 2019, Nhà báo Phạm Quốc Rin đã từng đoạt giải Khuyến khích của giải báo chí này với tác phẩm báo in “Đến trường trên những nhánh sông” - PV).
Ông Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (bìa phải) trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
Ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Mark Wheaton, đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam trao giải Nhất. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
Nhóm tác giả, từ phải sang: Phạm Quốc Rin, Phạm Băng Thanh, Trần Lê Tuấn chụp ảnh kỷ niệm cùng 2 nhân vật trong loạt bài viết đoạt giải là bà Phạm Hồng Tím (má Tím) và bác sĩ Trần Thị Hồng Mãi (Út Mãi) (Ảnh: LT)
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc; đồng thời, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Báo cáo tổng kết Giải tại buổi lễ, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Ngay từ mùa giải đầu tiên (năm 2018), giải đã được đón nhận và thu hút sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí trên cả nước với gần 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Đến nay, trải qua 6 năm, Giải đã trở thành cái tên quen thuộc, được trông đợi mỗi năm của cộng đồng các nhà báo, phóng viên theo dõi giáo dục.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, năm 2024, giải nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trên cả nước. Thành công của giải cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được nhận định khá tốt, phản ánh đậm nét đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành giáo dục; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.
Nhiều tác phẩm lan toả câu chuyện đẹp của ngành giáo dục; trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.
“Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước”, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.
Về phía Ban tổ chức sẽ tiếp tục tìm tòi, đổi mới để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài.
Theo đó, mỗi tác phẩm đoạt giải được trao tặng biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, cùng Chứng nhận của Bộ GD&ĐT (Giải Đặc biệt được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) và tiền thưởng bằng tiền mặt.
Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm: “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ” của nhóm tác giả: Lê Thị Thu, Lê Thị Hằng, Trần Hữu Hưng, Nguyễn Văn Cường, Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhân vật tiêu biểu trong hai tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà được trao giải tại buổi lễ là thầy giáo Đỗ Đức Thuần, thầy giáo Hoàng Đức Hoà - nhân vật trong tác phẩm "Lửa" từ tâm!, báo Quảng Bình; và nhân vật nhà giáo Đỗ Thị Hồi - nhân vật trong tác phẩm Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi - 32 năm tận tâm cống hiến nơi vùng khó, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.
Bà Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SunUni Global Group trao giải Nhân vật tiêu biểu. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
Phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn mong rằng giải sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo; từ đó có thêm nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục. Thứ trưởng đồng thời đề nghị Ban tổ chức giải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới để việc tổ chức giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín./.
Băng Thanh