ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:29:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đến trường trên những nhánh sông

Báo Cà Mau (CMO) Cứ ngỡ rằng chuyện học sinh đến trường bằng đò, xuồng ở Cà Mau đã là những hình ảnh lùi vào ký ức. Thế nhưng, tại Ngọc Hiển, có những điểm lẻ cách điểm chính ngót tiếng đồng hồ chạy vỏ lãi.

Hằng ngày cả thầy và trò đều đến trường trên những nhánh sông, tuy có vất vả, thiệt thòi hơn so với những nơi khác, song không khí học tập nơi đây vẫn rộn ràng. Điều đáng nói hơn nữa là không có tình trạng giáo viên xin thuyên chuyển, không một em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn và niềm tin vào con chữ, vào tri thức thì lúc nào cũng trọn vẹn.

Trường không tiếp giáp lộ

Về thăm Trường Tiểu học 2 Viên An Đông, chúng tôi được thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Thơi đón tại Nhưng Miên (trung tâm xã Viên An Đông): “Mỗi ngày chạy võ từ đây vô điểm chính cỡ 50 ngàn tiền xăng, điểm lẻ ở Cây Phước thì phải 70 ngàn”. Thầy Thơi cũng không giấu giếm chuyện Cây Phước là điểm trường xa nhất của huyện Ngọc Hiển hiện nay.

Trong toàn huyện Ngọc Hiển, đây cũng là ngôi trường duy nhất không có đường bộ, cả học sinh và giáo viên phải phụ thuộc vào con nước để đến trường. Hỏi thăm thêm về đời tư của thầy Thơi, chúng tôi càng cảm phục tấm lòng của người giáo viên. Thầy Thơi kể: “Hồi trước xã Viên An Đông vận động con em địa phương đi học sư phạm, cả xã có mỗi mình tôi theo học. Tốt nghiệp năm 1996 thì về dạy, cũng ở điểm lẻ xa xôi như vầy”.

Ngôi trường mà thầy Thơi bắt đầu sự nghiệp gieo chữ ngày đó được dựng lên giữa mênh mông rừng đước (điểm trường có cái tên ngồ ngộ: Hai Mét Rưỡi). Bàn ghế được cắm tạm bằng trụ cây tạp, ở trên thì ván vụn đóng lên. Mùa nước nổi, ngôi trường như lọt thỏm giữa trùng khơi, cả thầy và trò xúm nhau tát nước để học.

Thầy Thơi kể: “Giáo viên hồi đó lương đâu có bao nhiêu, cái gì cũng nhờ bà con giúp đỡ. Phải nói rằng, để con em được học hành, bà con vùng Ngọc Hiển nói chung, của Viên An Đông nói riêng phải nỗ lực nhiều lắm”. Là người con của Viên An Đông, thầy Thơi khẳng định chắc nịch rằng: “Dù đi học ở vùng này có đôi chút khó khăn, nhưng bây giờ có xuồng, có đò đàng hoàng, các em được tập bơi, mặc áo phao nên cũng không có gì đáng ngại”.

Có trường, điểm lẻ xa đến 12 cây số, nhiều điểm lẻ học sinh phải đi học bằng đò.

Thầy Trần Quang Điện, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Viên An Đông cũng đã nhiều năm gắn bó với những ngôi trường không đường, không lộ, thầy tâm sự: “Ở quê xa về đây, tôi cảm nhận rõ những khó khăn, thiệt thòi của các em. Nếu những ngôi trường này lựa chọn dời ra nơi có lộ, có đường thì các em sẽ học ở đâu”. Với quyết tâm ấy, hàng năm nhà trường duy trì sĩ số khoảng 240 em ở 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Tuy nhiên, theo chủ trương chung và cũng là đòi hỏi thực tế, điểm lẻ ở ấp Ông Trình đã được xoá vào đầu năm học mới này.

Cũng qua thông tin từ lãnh đạo nhà trường, gần 1/2 số học sinh đang theo học có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có sổ hộ nghèo và cận nghèo khoảng 40 em. Do điều kiện đi học khó khăn, nhiều gia đình phải bỏ thời gian, công ăn việc làm để theo con đến trường. Chị Đặng Thị Duy, ấp Đồng Khởi, xã Viên An Đông vừa tranh thủ cho con ăn, vừa tâm sự: “Buổi trưa nếu về thì mất thời gian, tốn tiền nữa, mình tranh thủ làm đồ ăn ở nhà rồi cho con ăn, phụ huynh nhịn, chiều về nhà ăn cũng đâu có sao”. Còn anh Nguyễn Văn Nhành, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, cho biết: “Dẫn 2 đứa nhỏ đi học thì ở nhà công việc bỏ đó. Kệ, đưa cho con cứng cáp một chút rồi mới cho tự đi đò đến trường được”.

Đến trường trên những nhánh sông, các em ở điểm lẻ Cây Phước vẫn rộn rã niềm vui học tập.

Dẫu còn nhiều khó khăn, song thầy Thơi khoe với chúng tôi: “Thấy vậy thôi chớ Tiểu học 2 Viên An Đông có phong trào thi đua tốt lắm. Chất lượng giáo dục được khẳng định, các hội thi cấp toàn huyện đều có thứ hạng cao. Được cái là giáo viên rất yêu nghề, bám trường, bám lớp, học sinh không em nào bỏ học”. Phụ huynh không bó tay với hoàn cảnh khó khăn, những người chung nhánh kênh thì hùn tiền lại để mua xăng cho con em đến trường, còn bằng không thì hợp đồng với đò đến tận nhà rước các em. Nói là cách trở đò giang, nhưng chưa một ngày nào học sinh ở đây đến lớp muộn giờ dù là mưa nắng hay nước lớn ròng.

Tâm tình điểm lẻ

Ghé thăm điểm Cây Phước, có hơn 100 học sinh, tương đương với điểm chính và có 6 thầy cô đang phụ trách. Cô Phạm Thị Thản thổ lộ: “Hình như số của mình không cất được cái nhà ở đàng hoàng, chỗ nào cũng cất nhà ở tạm để dạy, mà tạm gì đâu, cũng như nhà chính thôi”. Nói vậy bởi cô Thản cùng chồng, con đều ở lại căn nhà tạm mà trường cho mượn đất cất. Cây lá địa phương, được bà con giúp sức, giúp công và những đồng nghiệp còn lại của cô cũng có hoàn cảnh tương tự như vậy. Với 4 phòng học, mùa nước nổi, điểm Cây Phước trở nên đơn độc giữa con nước triều lên.

Dù điều kiện đến trường khó khăn, song phong trào thi đua, chất lượng giáo dục của trường và điểm lẻ Cây Phước luôn được giữ vững.

Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ngọc Hiển Trần Văn Út cho biết: “Những điểm trường như Cây Phước phải duy trì để đảm bảo cho học sinh có nơi học tập. Huyện xác định rõ, xoá ghép điểm lẻ phải có lộ trình, tính toán, không để bất cứ học sinh nào bỏ học do điều kiện đi lại khó khăn, xa xôi”. Hàng ngày, cô Thản lên lớp 2 buổi, thời gian còn lại cô đến những học sinh nhà gần để kèm cặp, rèn thêm kiến thức. Là người quê miền Bắc, cô Thản tâm tình: “Hai mươi mấy năm gắn bó với nghề dạy học, trong đó có thời gian dài sống ở các điểm lẻ khó khăn, tôi càng thêm yêu nghề, gắn bó với mảnh đất Ngọc Hiển. Nói thật, nếu phụ huynh không quan tâm, các em không nỗ lực thì chuyện bỏ học là điều khó tránh khỏi”.

Theo chia sẻ của anh Thơi, điểm lẻ Cây Phước điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, phòng học vẫn chưa đảm bảo, các phòng chức năng chưa được đầu tư. Về lâu dài, điểm trường này cần được nâng cấp, đảm bảo chất lượng giáo dục và để phụ huynh, học sinh, giáo viên yên tâm hơn. Giờ ra chơi của các em vùng sông nước cũng thiệt thòi, sân ngập lé đé, chỗ nào cũng ướt sũng, bùn lầy. Em Ngô Trúc Vy, lớp 5A2 tan lớp nhưng còn nán lại để tập văn nghệ chuẩn bị đón ngày 20/11, em bộc bạch: “Dù trường còn thiếu thốn nhưng ở đây vui lắm, thầy cô và học sinh rất yêu thương nhau, tập múa thì có phụ huynh ở ngoài vô tập giùm tụi em luôn”.

Theo giới thiệu của thầy cô ở điểm lẻ, một chị phụ huynh có chút năng khiếu múa tình nguyện gác lại công việc gia đình, làm ăn để vô trường giúp các em dựng tiết mục múa, còn các thầy cô khẳng định phong trào thi đua ở đây cũng không hề thua điểm chính. Đến giờ ra về, từng lớp xếp hàng ngay ngắn, em nào cũng mặc áo phao, từng chiếc xuồng, chiếc đò rời bến trong nụ cười tươi rói. Chúng tôi nghĩ đến câu khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chẳng phải các em học sinh ở đây cũng có được niềm vui trọn vẹn, dù rằng ngày ngày đến trường trên những nhánh sông xa./.

Huyện Ngọc Hiển hiện còn 11 điểm lẻ, trong đó có 10 điểm gắn với trường tiểu học, 1 điểm học nhờ cơ sở của trung tâm dạy nghề. Theo ông Trần Văn Út, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ngọc Hiển, các điểm lẻ hiện tại là cần thiết, đảm bảo cho học sinh được đến trường. Thực trạng đội ngũ giáo viên của toàn huyện được giao là 130 người, hiện có 106 người, nhu cầu thực tế là 181 người, thiếu 86 người.

 

Phạm Nguyên

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.