Trong các nhóm yếu thế, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có thể nói là “nghèo nhất trong những người nghèo”. Bởi không chỉ không có chỗ dựa về kinh tế, các em còn thiếu vắng tình thương, sự bảo bọc của gia đình và một tương lai đầy trắc trở.

“Không một ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm nhất quán với tính ưu việt và tinh thần nhân văn của Đảng ta, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chính sách đối với các nhóm yếu thế trong xã hội. Những mái nhà chung tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nhân ái tại Cà Mau với sự chung sức, nghĩa tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã một lần nữa tái sinh, viết nên hành trình kỳ diệu của những phận đời trẻ em bất hạnh vươn lên chiến thắng nghịch cảnh.

Không ai lựa chọn được nơi mình sinh ra, không ai muốn mình bất hạnh, đó là những điều mà em Nguyễn Như Ý, đứa con của đại gia đình Trung tâm Bảo trợ xã hội (Trung tâm) tỉnh Cà Mau mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Như Ý gọi nơi cưu mang 4 anh em của mình là nhà, là gia đình với tất cả tấm lòng hàm ơn và tình cảm máu thịt. Tình yêu thương là sự giàu có lớn nhất, nhiệm màu nhất khởi nguồn cho những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...

Mỗi lần đến với các địa chỉ cưu mang, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật hay bị bỏ rơi ở Cà Mau đều mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Các em vào đây đều khổ, đều nghèo từ lúc mới sinh ra; hoặc vì biến cố đời sống mà rơi vào nghịch cảnh. Bạn đồng nghiệp của tôi thì trăn trở: “Nếu không có nơi cưu mang, bao dung cho các em, thì cái nghèo, cái khó, cái nghịch cảnh sẽ tiếp tục thành một vòng luẫn quẫn, bí bách không lối thoát, không hồi kết”.

Em Nguyễn Như Ý bùi ngùi chia sẻ: “Quê em ở xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Ba mẹ em không có đất đai, phải làm thuê nuôi 4 đứa con. Trong 1 lần đi sên vuông mướn, ba em gục xuống bờ vuông qua đời, sức khoẻ mẹ em cũng dần suy yếu. May nhờ cô Út Vững (bà Trương Hồng Vững, thời điểm đó là Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh – PV) đưa tụi em vào đây vào năm 2011. Mẹ em cũng rời quê vào một ngôi chùa ở TP Cà Mau nương tựa, công quả”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Trung tâm, người được anh em Như Ý thân thương gọi là má Hồng thổ lộ: “Khi 4 anh em Thành (Nguyễn Minh Thành, sinh 2002); Đạt (Nguyễn Thành Đạt, sinh 2004); Ý (Nguyễn Như Ý, sinh 2005) và Út Rồi (Nguyễn Út Rồi, sinh 2006) vào đây, ai cũng thương cho hoàn cảnh éo le của các em. Bản thân tôi khi trực tiếp đồng hành, gắn bó, nhìn thấy các em trưởng thành từng ngày, tự thân nỗ lực tìm kiếm cơ hội tạo dựng tương lai mà vui mừng khôn xiết”.

Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giám đốc Trần Hoàng Vũ cho biết: “Nhiệm vụ, chức năng, hoạt động của đơn vị đảm bảo đúng quy định với tinh thần trách nhiệm cao, tấm lòng yêu thương rộng mở. Điều chúng tôi mang lại cho các em không chỉ là chăm lo các điều kiện vật chất, mà quan trọng nhất là không khí, là tình cảm của một mái nhà, của một đại gia đình đúng nghĩa. Và quan trọng nhất vẫn là giúp các em có cơ hội học tập, chỉ có học tập, tri thức mới giúp các em mở ra được cánh cửa tương lai tươi sáng”.

“Anh Thành đang học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn Cà Mau; anh Đạt được đi du học ở Đài Loan; Út Rồi chuẩn bị học trường nghề ở Bắc Ninh; em thì sắp theo học nghề tóc ngay tại TP Cà Mau. 4 anh em đều hứa với nhau phải học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp ổn định, có cuộc sống tốt hơn. Mái nhà chung này đã cho tụi em tất cả: tình cảm gia đình, cơm ăn, áo mặc, học hành cho đến cả con đường tương lai. Tài sản lớn nhất tụi em có được và sẽ mang theo suốt cuộc đời chính là tình yêu thương, ân nghĩa về gia đình lớn này”, Như Ý bồi hồi tâm sự.

Bà Phạm Hồng Tím công tác ở Làng trẻ em SOS tỉnh Cà Mau ngay từ những ngày đầu thành lập, từ năm 1996 đến năm 2019. Đến khi nghỉ hưu, bà vẫn chọn ở lại gắn bó và góp sức cho hoạt động của đơn vị.

Trong niềm tự hào khôn xiết, bà Tím kể vanh vách tên, tính cách từng đứa con của mình, tất cả đều đã thành nhân, thành tài, có cuộc sống riêng tư vững chãi. Điều tâm đắc của bà Tím chính là mô hình hoạt động của Làng trẻ em SOS khoa học, phù hợp và tạo điều kiện chăm lo, giáo dục toàn diện cho trẻ em bất hạnh.

“Mỗi em vào đây sẽ được nhận về gia đình có má, có dì, có ngôi nhà riêng, được chăm lo đầy đủ về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và nhất là việc học hành. Mái nhà chung này không chỉ cho các em sự phát triển về thể lực, trí lực mà còn hình thành nhân cách và ước mơ tốt đẹp. Điều vui mừng nhất của chúng tôi, đó chính là các em đã vượt lên nghịch cảnh, vượt qua ám ảnh của cuộc sống túng quẫn, bế tắc để tạo dựng tương lai, làm chủ cuộc sống của chính mình”, bà Tím tâm tình.

Ông Lâm Quốc Bảo, cán bộ Làng trẻ em SOS tỉnh Cà Mau, kể: “Lúc ban đầu, các em vào đây vẫn còn lối sinh hoạt đầy ám ảnh của cái nghèo khó, cơ cực. Có em lén lục đồ trong thùng rác để ăn. Có đứa chỉ ăn cơm chan nước mắm vì không quen ăn thịt, cá. Có em giữ cách ăn nói, cư xử cục mịch, thô lỗ, bất hợp tác. Nhưng với phương pháp chăm sóc, giáo dục khoa học, phù hợp; đặc biệt là sự chân thành, tình cảm yêu thương của cán bộ, thầy cô, nhất là của các má đã dần cảm hoá, thay đổi các em theo hướng tích cực”.

 

Với má Tím, người đảng viên có huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, được gọi là “bà má mát tay nhất” đơn vị, ông Bảo tấm tắc: “Một gia đình có vài đứa con thôi đã vất vả chừng nào, đằng này má Tím có tận 30 đứa con, mỗi đứa mỗi tính cách, hoàn cảnh. Cái hay của má Tím là đứa con nào cũng ngoan, cũng trưởng thành. Đặc biệt, nhiều người con của má Tím được ghi tên vào bảng vàng học tập của những thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ của Làng. Nếu không tin, cứ đến đây vào ngày Tết, tất cả các con của má đều tề tựu về quây quần trong tình cảm gia đình đầm ấm, gắn bó”.

Chính ở những mái nhà chung này, truyền thống văn hoá nhân nghĩa của dân tộc; tính ưu việt, nhân văn của chế độ đất nước; những giá trị phổ quát của quyền con người; những ước mơ đẹp được ươm mầm, chắp cánh đang hiện hữu đầy chân thực, cụ thể, xúc động và trọn vẹn tin cậy. Tình yêu thương đã trở thành sự giàu có nhiệm màu để làm nên những cuộc tái sinh kỳ diệu.

Hải Nguyên – Băng Thanh

Đồ hoạ: Lê Tuấn

Xuất bản: 28/8/2024

Bài 2: Trả nợ cuộc đời

Bài 3: Mở cánh cửa tương lai