Trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững trở thành xu hướng không thể đảo ngược, các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh, khai thác tiềm năng từ thị trường đầy triển vọng này. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn, ngân hàng còn đóng vai trò tiên phong trong chiến lược “xanh hoá” hệ thống tài chính.

Cách đây chỉ vài năm, cụm từ “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” hay “tài chính bền vững” vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí xa lạ với phần lớn cán bộ ngành ngân hàng. Nhưng đến năm 2025, xu thế đã thay đổi chóng mặt. Tín dụng xanh giờ đây không còn đơn thuần là một lựa chọn mang tính xã hội, mà đã trở thành một mệnh lệnh chiến lược, dưới áp lực của môi trường, thị trường và chính sách toàn cầu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do thiên tai và nước biển dâng. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,  một cam kết táo bạo, đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội để kiến tạo một nền kinh tế xanh, bền vững. Và “chìa khoá của dòng tiền” để hiện thực hoá cam kết ấy, không ai khác, chính là hệ thống tài chính - ngân hàng.

Dẫu vậy, tỷ trọng 4,5% này vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (~8%), Indonesia (~10%) hay Hàn Quốc (~12%). Lý do không hẳn nằm ở thiếu ý chí, mà phần lớn đến từ việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thiếu công cụ đánh giá rủi ro môi trường – xã hội, cũng như thiếu cơ chế thúc đẩy đủ mạnh.

Từ khá sớm, NHNN đã có những động thái cụ thể nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. Chỉ thị 03/CT-NHNN ban hành từ năm 2015, tiếp đến là Quyết định 1604/QĐ-NHNN năm 2018 và Thông tư 17/2022/TT-NHNN đã từng bước hình thành nên nền tảng pháp lý cho phát triển “ngân hàng xanh”.

Đặc biệt, Quyết định 1663/QĐ-NHNN ban hành năm 2024 tiếp tục cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh phát triển xanh quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm của ngành trong việc tái định hướng dòng vốn. Không chỉ dừng lại ở ban hành chính sách, NHNN còn phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường - xã hội cho 15 ngành kinh tế, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng triển khai thẩm định và quản lý rủi ro.

Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đang từng bước bắt nhịp với dòng chảy xanh. Nhiều NHTM lớn đã bắt đầu tích hợp tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào quy trình hoạt động. Điển hình như Agribank đã thành lập Ban chỉ đạo ESG, xây dựng quy trình tín dụng tích hợp tiêu chí môi trường và chuẩn bị phát hành trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế. BIDV dẫn đầu về dư nợ tín dụng xanh, chủ động thu hút vốn quốc tế, đặc biệt từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…. TPBank kết hợp chuyển đổi số với chiến lược bền vững, triển khai văn phòng không giấy, hỗ trợ các dự án nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, doanh nghiệp nữ làm chủ...

Không chỉ dừng ở các đô thị lớn hay các tập đoàn, dòng tín dụng xanh đang bắt đầu len lỏi tới những miền quê, nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một điển hình là Hợp tác xã Bồn Bồn Minh Duy (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), nơi chị Phạm Thị Dung, Chủ tịch HĐQT đã biến khoản vay nhỏ từ Agribank thành “bệ phóng” để hình thành chuỗi giá trị nông sản sạch tại địa phương. “Tôi bắt đầu chỉ với vài trăm triệu vay vốn, giờ HTX đã liên kết trồng trọt, sản xuất, đóng gói… Sản phẩm sạch có biên lợi nhuận tốt, lại được người tiêu dùng ưa chuộng”, chị Dung chia sẻ. Những khoản vay ấy không chỉ giúp từng nông hộ, mà còn nâng bước cả cộng đồng.

Tín dụng xanh không chỉ là công cụ bảo vệ môi trường, mà đang trở thành một lợi thế cạnh tranh thực sự trong bối cảnh thị trường tiêu dùng thông minh và xu thế xuất khẩu xanh lên ngôi. Các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí ESG ngày càng dễ dàng tiếp cận vốn, thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu, nơi các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe.

Trong hành trình hướng tới phát triển bền vững, ngành ngân hàng Việt Nam đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ đóng vai trò là người cấp vốn, nhiều ngân hàng còn chủ động trở thành “người mở đường”, khởi xướng những sáng kiến xanh, tạo đòn bẩy tài chính cho các mô hình kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.

BIDV được xem là một trong những ngân hàng tiên phong trong xu hướng này. Với dư nợ tín dụng xanh lên tới gần 70.000 tỷ đồng, cao nhất hệ thống, BIDV đã và đang đồng hành cùng hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió tại miền Trung và Tây Nguyên. Ngân hàng cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn xanh từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng trị giá trên 200 triệu USD.

Không dừng lại ở khía cạnh tài trợ, BIDV từng bước hiện thực hoá chiến lược phát triển bền vững thông qua mô hình “Tài chính xanh, Văn phòng xanh và Cộng đồng xanh”. Khung tín dụng xanh được xây dựng bài bản, trái phiếu xanh quốc tế được phát hành, trong khi nội bộ ngân hàng triển khai các sáng kiến văn phòng không giấy, tiết kiệm năng lượng, trồng cây tại nơi làm việc. Một điểm sáng là chương trình BIDVRun - Vì một Việt Nam Xanh, không chỉ khuyến khích rèn luyện sức khoẻ mà còn quy đổi hàng triệu ki-lo-met chạy thành cây xanh và công trình thiện nguyện.

Không chọn con đường ồn ào, ACB âm thầm và bền bỉ “xanh hoá” từ mô hình vận hành đến hoạt động cộng đồng. Chiến dịch “Gần lại O” với khẩu hiệu “Cùng ACB trân trọng trái đất này” là minh chứng cho nỗ lực giáo dục thế hệ trẻ về phân loại và tái chế rác. Bên cạnh đó, ACB cũng đầu tư mạnh cho các chỉ số tín dụng xanh, tín dụng xã hội và triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong vận hành nội bộ. Theo ACB, yếu tố môi trường không chỉ là chiến lược mà còn là giá trị cốt lõi cần được lan toả đến khách hàng và cộng đồng.

Không chỉ tập trung ở các đô thị lớn, tín dụng xanh đang len lỏi về vùng đất chịu nhiều tổn thương nhất do biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2025 KienlongBank đã triển khai chương trình “Tín dụng xanh - Nước ngọt lành” với quy mô 100 tỷ đồng, ưu tiên hỗ trợ hội viên Hội Phụ nữ và Hội Nông dân mua sắm thiết bị xử lý, trữ nước ngọt. Với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm, chương trình giúp người dân vùng hạn mặn chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là cách ngân hàng chia sẻ trực tiếp với người dân vùng chịu ảnh hưởng, góp phần bảo vệ sinh kế và nâng cao chất lượng sống.

Ở một góc nhìn khác, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) xác định phát triển bền vững là chiến lược lõi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng xanh tiếp cận chuẩn quốc tế để vay vốn từ các tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, theo bà Nguyễn Hương Loan, Phó tổng Giám đốc MSB, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó do chưa đáp ứng được các tiêu chí ESG. Bà kỳ vọng Việt Nam sớm xây dựng một thị trường carbon thực chất, có hàng hoá giao dịch và khả năng kết nối quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để hiện thực hoá mục tiêu Net Zero, Việt Nam cần một lộ trình rõ ràng, có phân kỳ và chỉ tiêu cụ thể, lấy tài chính xanh làm xương sống. NHNN cùng các bộ, ngành cần phối hợp tìm kiếm nguồn vốn quốc tế, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Tín dụng xanh đang từng bước chuyển mình từ khái niệm lý tưởng thành động lực thực tiễn, với vai trò dẫn dắt của ngành ngân hàng. Không chỉ cung cấp vốn, ngân hàng còn trở thành đối tác chiến lược, cầu nối cho các giao dịch tín chỉ carbon minh bạch, hiệu quả góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero năm 2050 và mở ra cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên kinh tế xanh.

Hồng Phượng - Việt Mỹ

 

Xuất bản: 1/5/2025

Bài 1: KHƠI THÔNG VỐN, CHẮP CÁNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bài 2: NHỮNG CÁNH TAY NỐI DÀI ĐẾN TỪNG NGÕ NHỎ
Bài cuối: DẪN DÒNG CHẢY “XANH” KIẾN TẠO TƯƠNG LAI