Trong những năm gần đây, chưa bao giờ câu chuyện tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa lại trở nên cởi mở như hiện nay. Từ một cánh cửa vốn từng “khép hờ” vì rào cản hồ sơ, tài sản bảo đảm hay năng lực tài chính, thì giờ đây, tín dụng ngân hàng tại Cà Mau đã trở thành “ngọn gió lành” đưa nhiều kế hoạch sản xuất, khởi sự kinh doanh vươn mình mạnh mẽ.

Anh Lê Minh Hoàng, chủ trại giống Ba Việt, ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới (huyện Cái Nước)  đã tạo dựng nên một mô hình kinh tế khép kín, từ nuôi thương phẩm đến sản xuất con giống. Câu chuyện khởi nghiệp của anh là minh chứng sống động cho sức lan toả của tín dụng ngân hàng, khi dòng vốn không chỉ tiếp sức cho từng hộ dân mà còn “kích hoạt” cả chuỗi giá trị nông nghiệp địa phương.

“Ban đầu tô vay chỉ để nuôi sò quảng canh thôi, giống thì đi mua bên ngoài về thả. Sau này tích luỹ thêm kinh nghiệm từ thời học ở Đại học Thuỷ sản Nha Trang, tôi bắt đầu học kỹ thuật ép giống tại nhà. Khi tỉnh chọn tôi làm điểm cho dự án ‘Thử nghiệm sinh sản và ương sò giống (Anadara Granosa) phù hợp với vùng ven biển Cà Mau’, tôi quyết định xây luôn trại giống”, anh Hoàng nhớ lại.

Toàn bộ quá trình mở rộng và cải tạo đều được anh thực hiện bằng dòng vốn quay vòng từ ngân hàng.

Anh kể, ngày trước nghĩ đến ngân hàng là thấy ngán: sợ thủ tục rườm rà, sợ thiếu giấy tờ, sợ bị từ chối. Nhưng bây giờ thì khác. “Chỉ cần mình có phương án nuôi khả thi, ngân hàng tới tận nơi khảo sát, tư vấn nhiệt tình lắm. Nhờ có vốn mà tôi mạnh dạn đầu tư công nghệ, nâng sản lượng, đầu ra bán được giá cao hơn”, anh chia sẻ.

Không chỉ phát triển cho riêng mình, anh Hoàng còn muốn lan toả thành quả đến cộng đồng. Với mong muốn “người dân được trao cả cần câu lẫn kỹ năng”, anh chủ động hỗ trợ mỗi ấp trong xã 2 hộ dân, mỗi hộ nhận 4 triệu đồng, sò giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.

Từ góc độ ngành ngân hàng, anh Bùi Thanh Dự, cán bộ Phòng giao dịch Agribank xã Tân Hưng Đông, người trực tiếp theo dõi hồ sơ tín dụng của anh Hoàng, nhận xét: “Anh Hoàng là khách hàng tiêu biểu của chương trình vay theo Nghị định 55. Anh vay dưới 1 tỷ đồng, thế chấp quyền sử dụng đất. Lãi suất 7,5%/năm. Quan trọng là anh có lịch sử trả nợ rất tốt, luôn xoay vòng vốn hiệu quả, minh bạch, đúng mục đích”.

Tại thị trấn Trần Văn Thời, ông Lê Minh Đức, chủ cơ sở khô bổi Ba Đức cũng là một điển hình thành công nhờ tín dụng. Vừa cho cá ăn dưới ao, ông vừa vui vẻ chia sẻ: “Tôi muốn làm khô bổi theo chuỗi, từ ươm trứng đến đóng gói. Nhờ vay được 5 tỷ đồng từ Agribank, tôi mở rộng ao, xây xưởng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương”. Với ông, tín dụng không chỉ là vốn, mà còn là niềm tin để mạnh dạn đầu tư dài hơi.

Tín dụng không chỉ “bơm máu” cho sản xuất, mà còn chuyên nghiệp hoá các mô hình kinh tế tập thể. Các  như: Agribank, BIDV, VietinBank đang trở thành những người đồng hành đáng tin cậy, giúp các hợp tác xã vững bước vào chuỗi giá trị.

Tín dụng hôm nay không đơn thuần là dòng tiền nó là sự hiện diện của một hệ thống tài chính hiện đại, nhân văn và bao trùm. Ngân hàng không chỉ hỗ trợ vốn mà còn tư vấn kinh doanh, kết nối đầu ra, đồng hành phát triển cùng người dân từ đồng ruộng đến nhà xưởng.

Ông Đỗ Thanh Tịnh, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cà Mau khẳng định: “Ngân hàng luôn hỗ trợ mô hình nông nghiệp sạch, chuỗi giá trị, doanh nghiệp nhỏ đổi mới công nghệ. Không chỉ cho vay, mà còn hướng dẫn lập phương án sản xuất, kết nối tiêu thụ. Dòng vốn hiệu quả hơn khi đi kèm tri thức và sự đồng hành”.

Tại xã Tân Thành (TP Cà Mau), hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình này đã hiện diện rõ nét.  

Không dừng lại ở việc kết nối vốn, ngân hàng còn uỷ nhiệm cho Hội phụ nữ thực hiện thu lãi định kỳ. “Ngày 14 hằng tháng, tôi đi thu tiền từ các hộ vay và nộp lại ngân hàng đầy đủ hồ sơ. Nhiều chị em còn chủ động chuẩn bị từ ngày mùng 10, thể hiện ý thức trả nợ rất tốt”, chị Thẩm cho biết.

Nguồn vốn đã tiếp sức kịp thời cho phụ nữ nông thôn. Chị Chị Huỳnh Thị Hồng, ngụ Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, với 40 triệu đồng vay được từ chương trình hỗ trợ của ngân hàng Kiên Long, đầu tư cải tạo vuông và thả tôm giống đúng thời điểm. “Biết tính toán, chắt chiu thì tới tháng vẫn có thể trả được. Nhờ khoản vay này mà cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”, chị bộc bạch trong niềm vui.

Trong xu thế hội nhập, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định rõ nét. Họ không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn là những người chủ động, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng nắm bắt cơ hội để tự chủ kinh tế. Nắm bắt điều đó, các ngân hàng, trong đó có KienlongBank đã chủ động triển khai nhiều chính sách tín dụng thiết thực.

Không đứng ngoài cuộc, nhiều ngân hàng như: OCB, HDBank... cũng đã và đang triển khai các gói tín dụng hướng đến phụ nữ địa phương, mở rộng cơ hội phát triển, giúp họ vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no.

Để nguồn vốn tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, từ nay đến cuối năm 2025, NHNN Khu vực 15 sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn công khai lãi suất, đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo thanh toán an toàn, không dùng tiền mặt, hỗ trợ khách hàng vượt khó. NHNN tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHTM triển khai hiệu quả các giải pháp tín dụng, đảm bảo dòng vốn sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tăng trưởng.  

Chính sự gần gũi, linh hoạt, công nghệ hoá trong hoạt động tín dụng đang làm nên diện mạo mới cho kinh tế địa phương: nhanh hơn - sâu hơn - xanh hơn - bền vững hơn. Bức tranh kinh tế Cà Mau hôm nay đang được tô điểm bởi những dòng vốn nhân văn và thiết thực, nơi ngân hàng không chỉ “cho vay”, mà còn “mở đường” để phụ nữ và người dân tự tin bước tiếp tương lai. Và phía trước, vẫn còn nhiều vùng đất tiềm năng đang chờ được đánh thức bằng chính những cú hích tài chính đúng lúc, đúng cách.

Hồng Phượng - Việt Mỹ