Với mỗi gia đình, việc nuôi dạy 1 hoặc 2 đứa con khôn lớn, nên người đã là điều khó nhọc, nhưng các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm mảnh đời trẻ bất hạnh, nhất là những đứa trẻ khuyết tật, chậm phát triển trí não, thì đó quả là một phép màu và chính là tình thương yêu, lòng nhân ái. Các mái ấm gia đình đầy ắp tình thương ấy là minh chứng sống của những chính sách nhân văn, sự đoàn kết của toàn xã hội để thực sự trở thành ngôi nhà chung, là địa chỉ tin cậy góp phần đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện quá trình xã hội hoá nhằm nhân rộng mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trên toàn xã hội.

Song, những thao thức, những trăn trở phải làm sao để hầu hết các em có được một tương lai tươi sáng vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với trẻ khuyết tật.  

Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, hiện tại đang nuôi dưỡng, chăm sóc 67 trẻ mồ côi, khuyết tật, tự kỷ. Ở ngôi trường đặc biệt này, ngoài dạy các giá trị nhân bản, dạy các phần chuyên biệt như tập phát âm, luyện nghe, học văn hoá từ lớp dự bị cho đến lớp 5 theo chương trình giáo dục đặc biệt, trung tâm còn dạy các em học vi tính, nghề may, thêu, làm hoa...

Bà Vũ Thị Tươi cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã gởi 3 em lên Sài Gòn học điêu khắc tại các cơ sở. Hiện các em đang hành nghề với mức thu nhập mỗi tháng bình quân từ 8-9 triệu đồng trở lên. Một trường hợp khá nổi bật là em Lê Pha Lil được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp giấy chứng nhận Nghệ nhân ngày 18/12/2018, hiện làm việc với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

 

“Đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là cầm tay chỉ việc, là giúp các em bắt chước hành động của mình để lâu dần công việc này trở thành thói quen của các em. Công việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, gấp 3-4 lần, thậm chí còn hơn thế rất nhiều. Hiện tại, trung tâm chỉ có thể dạy nghề may rồi nhận đơn hàng về cho các em gia công; bên cạnh đó là làm hoa thủ công và hiện đang đào tạo lớp kỹ thuật làm nước rửa chén. Mong muốn lớn nhất vẫn là các em học nghề và sống được với nghề, chí ít là lo được cho bản thân, để không là gánh nặng cho gia đình, xã hội”, bà Tươi tâm tình.

Việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội đã giảm bớt phần nào khó khăn cho người khuyết tật.

Song thực tế, làm thế nào để người khuyết tật có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội luôn là một bài toán khó. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ngay chính tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật – mồ côi Nhân Ái số trẻ khuyết tật sau khi kết thúc khóa học có thể tự lao động độc lập không nhiều, nhiều em vẫn phải phụ thuộc rất nhiều đến sự trợ giúp của người thân và người khác trong quá trình làm việc. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có chuẩn chương trình đào tạo nghề cho từng loại khuyết tật. Hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên nơi đây phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó, quy định về thời gian đào tạo nghề đã “gây khó” cho việc đào tạo nghề.

Với mục đích tăng cường huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói chung, thiếu niên nói riêng tìm được việc làm phù hợp năng lực, nguyện vọng, bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp học nghề một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp nhận lao động sau khi dạy nghề, hoàn cảnh của người khuyết tật về sức khoẻ, về dạng tật, về trình độ văn hoá… Việc thành lập câu lạc bộ trợ sức, khởi nghiệp có ý nghĩa rất lớn và cần thiết, chúng tôi sẽ lưu ý chỉ đạo các cơ sở bảo trợ xã hội trong thời gian tới tăng cường kết nối với Tỉnh đoàn và các đơn vị có liên quan để hỗ trợ các em tham gia các câu lạc bộ khởi nghiệp trên địa bàn TP Cà Mau”.

Sau những cuộc trò chuyện, chúng tôi không khỏi bùi ngùi và cảm phục tấm lòng nhiệt huyết, không ngại khó khăn, vất vả của các ngành chức năng và tập thể cán bộ, giáo viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Bởi lẽ, ở những nơi ấy, tất cả đều yên bình, thân thuộc, là mái nhà ấm áp, thân thương. Ở đó tiếng cười thơ ngây, trong trẻo của trẻ em thiệt thòi thường ngày vẫn cất lên trong những vòng tay nhân ái và sẽ luôn được nối rộng để “không ai bị bỏ lại phía sau” và để mở ra cánh cửa giúp các em hướng về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn./.

Hải Nguyên – Băng Thanh

Đồ hoạ: Lê Tuấn

Xuất bản: 28/8/2024

Bài 1: Tình yêu thương - Sự giàu có nhiệm màu

Bài 2: Trả nợ cuộc đời