Mặc dù triển khai quyết liệt nhưng ở một vài địa phương tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát còn chậm. Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ ra những mặt chưa làm được và yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt vào các nhóm giải pháp để khâu tổ chức thực hiện đảm bảo kết quả cao nhất.
Bằng nhiều kênh, nhiều phương thức, tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và mục tiêu của chương trình vận động, hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phân khai kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh để thực hiện chương trình.
Phối hợp xây dựng các phóng sự chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, trang tin, điểm tin… về thực hiện chương trình như: “Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn căn nhà Đại đoàn kết”, “Ấm áp những ngôi nhà Đại đoàn kết”,… kịp thời lan toả những cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở; biểu dương những hộ nghèo có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau tiếp tục đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính sớm bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng để địa phương thực hiện theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với các trường hợp địa phương đề xuất thay đổi danh sách đối tượng tiếp nhận hỗ trợ từ Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát để đảm bảo đúng quy định và đối tượng thụ hưởng.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau, khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Kế hoạch 259 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; công khai, minh bạch, đúng đối tượng được hưởng thụ chương trình, đảm bảo đúng tiêu chí, không thực hiện theo hình thức, đảm bảo đúng thực tế, không để xảy ra tình trạng sai phạm, trục lợi, quan liêu.
Ông Nguyễn Hồ Hải yêu cầu cấp uỷ, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng của chương trình. MTTQ tăng cường giám sát, lắng nghe dân phản ánh để xử lý kịp thời; tiếp tục tăng cường vận động xã hội hoá nguồn kinh phí để hỗ trợ các đối tượng không thuộc diện theo chương trình. Nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với các hộ chưa có đất ở, huy động nguồn lực xã hội bằng cơ chế xã hội hoá để nâng cao chất lượng công trình nhà ở cho Nhân dân.
Kết quả và ý nghĩa của chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát không chỉ để giải quyết các vấn đề bức thiết của dân sinh. Việc tiếp tục phát huy, lan toả chương trình, hướng đến mục tiêu an cư cho toàn dân, để không một ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh dân tộc ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, là thông điệp cao đẹp đang được kết tinh, nối tiếp, nhân lên trong cả ý chí và quyết tâm hành động của cả đất nước.
Thực tế, một trong những băn khoăn của chương trình chính là việc chưa thể bao quát toàn diện và chạm tới những đối tượng thực sự khó khăn và có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở.
Trở lại với câu chuyện của xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã, trăn trở:
Theo phân tích của ông Ril, một số không ít hộ dân bỏ nhà cửa để đi lao động ngoài tỉnh, địa phương không thể liên lạc, nếu vì làm ăn khó khăn và quay trở về, rơi vào diện hộ nghèo, cận nghèo… thì nhà ở cũng là câu chuyện phải tiếp tục tính toán. “Đó là chưa kể có những hộ không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo quy định của chương trình, nhưng vấn đề nhà ở cũng rất cấp thiết với người dân”, ông Ril chia sẻ thêm.
Trường hợp gia đình Anh Huỳnh Thanh Tân và chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Ấp 17, xã Nguyễn Phích, là một ví dụ. Gia đình này thoát nghèo vào năm 2023, tuy nhiên nguy cơ tái nghèo chực chờ. Anh Tân chia sẻ: “Nhà không có đất sản xuất, có người thương cho mượn 5 công đất để nuôi tôm. Tôi thì có thêm nghề làm hồ, nhưng mấy năm nay phát bệnh hở van tim 2 lá nên sức khoẻ giảm sút, thu nhập khi có khi không. Vợ tôi thì không có nghề nghiệp gì ổn định”. Ngó căn nhà xuống cấp, dột nát đang ở, đôi vợ chồng này tiếc nuối:
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta; khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của nước Việt Nam, đã khái quát: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động” và “nếu nước nhà độc lập mà dân không hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”.
Nửa thế kỷ sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, với khí thế của cả dân tộc tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát triển giàu mạnh và hạnh phúc, chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát một lần nữa làm lấp lánh thêm những giá trị tốt đẹp, thành tựu phát triển to lớn của đất nước ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Hải Nguyên – Kim Cương – Lê Tuấn
Xuất bản: 16/3/2025
Bài 1: Ý thức - trách nhiệm - quyết liệt - thực chất
Bài 2: Nhiều cách làm hay, sáng tạo