Xoá nhà tạm, nhà dột nát không đơn thuần là xây dựng lại những căn nhà mới, mà còn là cả một quá trình giúp người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống, mở ra con đường giúp hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên.
Bên ngôi nhà mới, Ông Võ Văn Hoàng, Ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh rưng rưng niềm vui. Là hộ nghèo, kinh tế dựa vào thu nhập bấp bênh từ công việc làm thuê, ông không nghĩ rằng ước mơ có được ngôi nhà mới đàng hoàng của gia đình nay đã thành sự thật. Nhìn ngôi nhà, người đàn ông ngót nghét 60 tuổi xúc động.
“Trước đây hơn chục năm, gia đình tôi được hỗ trợ nhà theo Chương trình 167, nhưng nhà ở lâu quá thì xuống cấp dữ lắm, không thể ở được nữa. Cái nhà cũ nói mấy anh không tin, chớ khách vô nhà tôi phải dặn là đừng dựa vào vách vì sợ… sập luôn. Nhà tôi có 9 nhân khẩu, trong đó có 2 người già yếu, còn lại mấy người bệnh tật, chỉ còn có 3 lao động chính, bươn chải đi làm mướn để sinh sống qua ngày. Nhận được 60 triệu hỗ trợ từ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, tôi mừng không kể xiết…”, ông Hoàng bộc bạch.
Kể thêm về mình, ông Hoàng chia sẻ: “Trước đây tôi cũng có 2 ha đất, nhưng khổ quá phải cầm cố. Nợ chồng nợ, đời sống ngày càng thắt ngặt, bởi vậy nghèo hoài không dứt được”.
Cùng niềm vui ấy, Ông Lê Hoàng Anh, cũng là dân Ấp 17, phấn khởi: “Nhà tôi cất xong trước tết, phải nói là từ trước tới giờ gia đình mới được ăn tết trọn vẹn như vậy”. Nhà chỉ có vài công đất, ông Hoàng Anh đi lao động công nhật theo công trình, thu nhập chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc, còn chuyện cất nhà mới, như ông chia sẻ thật lòng là “không dám nghĩ tới”. Ông không thể quên cái cảnh chạy gió, chạy dông, dắt díu vợ con tìm chỗ trú ẩn khi còn ở trong ngôi nhà cũ đã mục nát. Còn bây giờ, ông nói về dự định của mình sắp tới:
Niềm vui và sự hy vọng lan toả, hiện hữu trong từng ngôi nhà mới của chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tại xã Nguyễn Phích. Bà Nguyễn Thị Sùng, Ấp 18, xuýt xoa: “Nhà mới sắp xong rồi, tuổi già của tôi cũng phần nào được an ủi. Ngôi nhà này cũng là tài sản lớn nhất mà tôi để lại cho con trai. Mong con cháu sau này sống khá hơn, chớ không như tôi đến cuối đời mới có căn nhà đàng hoàng để ở”.
“Lúc mới nhận nhà, ngày nào tôi cũng khóc vì không tin được là mình có được ngôi nhà khang trang để ở”, lời bộc bạch chân tình của vợ ông Lương Văn Chừng, Ấp 5, xã Nguyễn Phích. Dù vợ chồng ông Chừng làm đủ mọi công việc nhưng thu nhập chỉ dừng lại ở mức “đủ sống”. Ngôi nhà cất từ khi mới lập gia đình đến khi gả chồng cho con gái vẫn chưa được sửa chữa hay cất mới. Ở tuổi 69, vợ chồng ông Chừng mới thật sự chạm tay vào ngôi nhà mới.
Ông Chừng bộc bạch: “Bà nhà tôi làm thêm nghề bó chổi, trồng rau màu, đặt rượu, chăn nuôi để kiếm đồng ra, đồng vô. Vợ chồng tôi già rồi, có được căn nhà này coi như thoả nguyện, động viên nhau ráng lao động để cuộc sống ngày càng khá hơn, không làm gánh nặng cho xã hội”.
Ánh mắt luôn dõi theo những người thợ hồ đang tất bật xây nhà, lâu lâu đưa tay lau đi những giọt nước mắt, bà Đặng Thị Hoa (66 tuổi), Ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, xúc động.
Theo lời kể của ông Phạm Anh Luyện, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Tùng, nhà bà Hoa thuộc diện hộ nghèo lâu năm. Chồng bà mất sớm, bà phải bươn chải nuôi 2 đứa con. Đứa con lớn gả chồng nhưng cuộc sống không dư dả, con kế cũng lập gia đình nhưng không hạnh phúc. Sau khi ly dị về cùng sống với bà. Thấy hoàn cảnh bà khó khăn nên em của bà Hoa cho mượn đất cất tạm ngôi nhà che mưa che nắng, nhưng nền thấp nên mỗi độ thuỷ triều lên nhà cửa ngập lênh láng. Chân bị tật không đi lại được nên có hôm bà Hoa bò trên sàn nước để di chuyển, ướt hết cả người. Khi hay tin được hỗ trợ nhà, con gái của bà Hoa phải ứng lương trước vài tháng để làm nền móng, căn nhà được hỗ trợ 60 triệu, chỉ cất đúng với số tiền đó chứ gia đình không có tiền để bù vô thêm.
“Có được ngôi nhà cao ráo, con tôi cũng yên tâm hơn, không còn lo cảnh nước ngập nhà. Tôi cũng ráng vun vén ngôi nhà cho con tôi có chốn để về sau những ngày lao động mệt nhọc nơi xứ người”, bà Hoa trần tình.
Hải Nguyên – Kim Cương – Lê Tuấn
Xuất bản: 16/3/2025
Bài 1: Ý thức - trách nhiệm - quyết liệt - thực chất
Bài 2: Nhiều cách làm hay, sáng tạo